Bằng chứng là hôm 19-5, trao đổi với một số ít nhà báo tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố: “Dân tộc Trung Quốc không muốn chiến tranh nhưng chúng tôi sẽ chống lại Mỹ nếu Mỹ gây xung đột…”.
Ông cảnh báo Mỹ không thể bao vây Trung Quốc bằng cách xây dựng các căn cứ quân sự. Dù vậy, ông nhận định không nên để xảy ra xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ bởi kinh tế hai nước sẽ bị tổn thương và kinh tế thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Thứ trưởng Lưu Chấn Dân đưa ra tuyên bố như trên sau sự kiện Lầu Năm Góc tố hai máy bay tiêm kích Trung Quốc bay áp sát máy bay trinh sát Mỹ chỉ hơn 15 m trong lúc máy bay Mỹ bay trong không phận quốc tế ở phía đông đảo Hải Nam. Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phản pháo cho rằng Mỹ thường xuyên thực hiện các chuyến bay trinh sát ảnh hưởng đến an ninh hàng hải Trung Quốc và yêu cầu Mỹ chấm dứt các chuyến bay như thế.
CNBC ghi nhận tuyên bố của Thứ trưởng Lưu Chấn Dân hàm ý cảnh báo quá rõ ràng rằng nếu Mỹ cứ tiếp tục khiêu khích Trung Quốc ở biển Đông thì sẽ phải trả giá.
Trong khi đó tại Philippines, trả lời phỏng vấn báo New York Times, Tổng thống Benigno Aquino III khẳng định Mỹ sẽ phải tiến hành hành động quân sự ở biển Đông trong trường hợp Trung Quốc tiến hành kế hoạch nạo vét xây đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough của Philippines.
Ông nhấn mạnh hoặc Mỹ phải bảo vệ Philippines hoặc Mỹ có nguy cơ mất uy tín trong khu vực. Ông cho biết Philippines đã sẵn sàng đối phó với hành động của Trung Quốc. Ông cũng bác bỏ các lo ngại cho rằng người kế nhiệm ông vào cuối tháng 6 tới Rodrigo Duterte sẽ thực hiện chính sách mềm dẻo hơn với Trung Quốc.
Trong khi Philippines và các nước đang chờ đợi phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực ở Hà Lan về vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nước này tiếp tục vận động các nước hậu thuẫn cho quan điểm của Trung Quốc (giải quyết tranh chấp bằng đàm phán trực tiếp và bác bỏ thẩm quyền của tòa án quốc tế).
Tân Hoa xã của Trung Quốc khoe khoang đến nay đã có khoảng 40 nước ủng hộ quan điểm khước từ giải pháp trọng tài của Trung Quốc. Gần đây nhất là ba nước Mozambique, Burundi và Slovenia đã tuyên bố ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.
Còn tại một cuộc hội thảo ở Bangkok (Thái Lan) hôm 19-5, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và luật biển (Viện Nghiên cứu biển Đông quốc gia Trung Quốc) Nông Hồng bao biện rằng sở dĩ Trung Quốc không tham gia quy trình trọng tài quốc tế bởi vì Tòa Trọng tài thường trực không có thẩm quyền giải quyết.
Nói chung, lập luận của ông này là một bài với bốn điều kiện tiên quyết do Vụ trưởng Vụ Điều ước và pháp luật (Bộ Ngoại giao Trung Quốc) Tô Hoành đưa ra tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hơn một tuần trước để kết luận: Tòa Trọng tài thường trực không có quyền tài phán và nếu có phán quyết thì phán quyết cũng vô hiệu về pháp luật.