Tòa Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan) sắp công bố phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc (TQ). Trong bối cảnh cần thiết lập một mặt trận chung duy trì trật tự dựa trên luật lệ và đáp trả tham vọng thay đổi nguyên trạng của TQ, Nhật là nước tiên phong đề xuất cách tiếp cận dựa trên sức mạnh dân sự để thay thế giải pháp quân sự.
Sử dụng lực lượng tuần duyên
Tác giả Yoichi Funabashi, nguyên chủ bút báo Nhật Asahi Shimbun, nhận định như trên trong bài viết đăng trên trang web nghiên cứu YaleGlobal của Mỹ ngày 19-5 (giờ địa phương). Bài viết có tựa đề “Nhật huấn luyện các nước khác củng cố pháp luật ở biển Đông và biển Hoa Đông”.
Với hỗ trợ tài chính của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật (JICA), Nhật đưa ra một sáng kiến lớn là chương trình “Chính sách an ninh và an toàn hàng hải” do lực lượng tuần duyên Nhật và Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật cùng quản lý.
Trọng tâm của chương trình là khóa huấn luyện dài một năm nhằm phát triển mạng lưới các nhà lãnh đạo tương lai, cung cấp cho các cán bộ tuần duyên trẻ châu Á cơ hội học nửa năm ở Tokyo và nửa năm còn lại ở Học viện Tuần duyên tại Hiroshima. Các học viên từ Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia đã đăng ký tham gia chương trình.
Lực lượng tuần duyên Nhật đã có nhiều bài học thành công trong quản lý các đe dọa hàng hải. Trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, lực lượng này đã nhiều lần ngăn chặn các chiến dịch xâm nhập của gián điệp Triều Tiên. Đáng nhớ nhất là tháng 12-2001, lực lượng tuần duyên Nhật đã đánh chìm tàu gián điệp Triều Tiên ở vùng biển phía Nam và bắt giữ bọn xâm nhập.
Với khả năng đáp trả của lực lượng tuần duyên, Nhật không phải sử dụng các biện pháp quân sự trong duy trì ổn định.
Tuy nhiên, trong một thập niên qua, lực lượng tuần duyên Nhật phải đối mặt với các thách thức chưa từng thấy. Các tàu TQ gia tăng xâm nhập vào lãnh hải Nhật quanh quần đảo Senkaku (TQ gọi là Điếu Ngư). Công thức quen thuộc của TQ là công thức 3-3-2, nghĩa là ba tàu TQ xâm nhập vào vùng biển gần Senkaku ba lần mỗi tháng, mỗi lần tối đa hai giờ và rời đi sau khi nhận được cảnh cáo từ lực lượng tuần duyên Nhật.
Lực lượng tuần duyên Nhật không chỉ có tàu mà có cả máy bay tuần duyên. Ảnh: aviation-latest.boards.net
Bài học vận dụng ở biển Đông
Mục tiêu của lực lượng tuần duyên Nhật không phải là giải quyết tranh chấp mà là bảo vệ hiện trạng bằng cách thực hiện pháp luật dân sự chứ không dùng giải pháp quân sự. Đây là tiến trình củng cố hòa bình mở đường cho giải pháp ngoại giao.
Dĩ nhiên TQ không khoanh tay ngồi nhìn mà có giải pháp đối phó. Đó là thiết kế tàu tuần tra 2901, tàu tuần duyên lớn nhất thế giới. Tàu 2901 vượt xa các tàu của lực lượng tuần duyên Nhật về kích cỡ và còn trang bị vũ khí quân sự.
Nguy hiểm ở đây là nếu Nhật đáp trả bằng cách huy động lực lượng phòng vệ biển can thiệp với tàu tuần tra quân sự lớn hơn, trang bị súng ống mạnh hơn thì có thể dẫn đến chạy đua về lực lượng tuần tra biển.
Rõ ràng tàu tuần tra 2901 của TQ là liều thuốc thử khả năng giải quyết xung đột của Nhật, đồng thời thăm dò lực lượng tuần duyên Nhật và lực lượng phòng vệ biển Nhật.
Tương tự thế, TQ cũng đã tung ra tàu tuần tra “khủng” 3901 để cảnh báo các nước ASEAN về viễn cảnh quân sự hóa gia tăng ở biển Đông. Do vậy Nhật và các nước ASEAN phải cẩn thận để không mắc bẫy khiêu khích của TQ.
Thành công của hình mẫu duy trì hòa bình bằng lực lượng tuần duyên Nhật có thể là phiên bản để áp dụng tại biển Đông.
Nhật đang đẩy mạnh hỗ trợ các nước ASEAN xây dựng khả năng quân sự, tuy nhiên điều này chưa đủ, ẩn chứa nhiều nguy cơ hiểu lầm và tính toán sai. Dựa trên kinh nghiệm trên biển Hoa Đông, khái niệm xây dựng năng lực của Nhật phải đặt trọng tâm vào củng cố pháp luật và thực hiện luật lệ bằng các cơ quan dân sự.
Tác giả Yoichi Funabashi nhận định giải pháp phi quân sự có thể mở đường phối hợp chính sách lớn hơn giữa các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực tạo lập vị thế nhằm đáp trả âm mưu xây dựng “vạn lý trường thành bằng cát” của TQ.
Hãng thông tấn Philippines ngày 21-5 dẫn lời Chuẩn đô đốc Marcus Hitchcock, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis, cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay gồm bảy tàu đang có mặt ở Manila trong chuyến thăm vịnh Subic. Theo chương trình, các thủy thủ sẽ thăm viếng và giao lưu với cộng đồng địa phương. Trong 8.500 thủy thủ có 238 người là công dân Philippines, trong đó có sĩ quan Raphael Castillejo chỉ huy tàu khu trục tên lửa USS Stockdale. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis thuộc hạm đội 7 Mỹ đang thực hiện tuần tra trong khuôn khổ hoạt động hỗ trợ an ninh và ổn định ở châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Hạm đội này đã đến Philippines tham gia cuộc tập trận “Vai kề vai” (Balikatan) hồi tháng 4 và nay quay trở lại Philippines. Báo The Philippine Star nhận định chuyến thăm lần này của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ diễn ra ngay sau khi hai máy tiêm kích TQ áp sát chặn máy bay trinh sát Mỹ ở phía đông đảo Hải Nam. TNL |