Hàn Quốc cần ít nhất hai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD để tự vệ trước đe dọa từ tên lửa phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Triều Tiên, chỉ một hệ thống tên lửa THAAD thì chưa thể bao phủ hết toàn bộ vùng biển Triều Tiên, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn nhận định chuyên gia quân sự Mỹ Jeffrey Lewis ngày 29-8.
“Tầm trinh sát radar của một hệ thống THAAD không đủ bao phủ hết vùng biển Triều Tiên. Hàn Quốc vần có hai hệ thống THAAD để bao phủ tốt hơn” - Yonhap dẫn lời chuyên gia Jeffrey Lewis hiện là giám đốc Chương trình Không phổ biến hạt nhân Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến hạt nhân James Martin.
Tên lửa đạn đạo K-11 của Triều Tiên trong một lần phóng từ tàu ngầm. Ảnh: KOREA TIMES
Chuyên gia Jeffrey Lewis đưa ra đánh giá này sau khi Triều Tiên phóng thành công tên lửa SLBM K-11 tuần trước. Tên lửa đạn đạo K-11 đã bay 500 km và rơi xuống biển Nhật Bản. Đây là tầm bắn xa nhất của tên lửa SLBM Triều Tiên trước giờ.
Theo chuyên gia Jeffrey Lewis, thật ra tên lửa K-11 còn có thể bay xa hơn. Vì tên lửa K-11 được phóng gần như thẳng đứng, tư thế phóng này sẽ hạn chế tầm bắn. “Nếu được phóng ở hướng nghiêng, tên lửa K-11 sẽ bay xa hơn 500 km, có thể sẽ tới mức 1.000 km, thậm chí xa hơn”.
Hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD. Ảnh: PRESS TV
Hệ thống THAAD được thiết kế đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung - tầm bắn 1.000-3.000 km. Về lý thuyết, hệ thống THAAD còn có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn 3.000-5.000 km, tuy nhiên điều này chưa được kiểm nghiệm thực tế.
Văn phòng thử nghiệm tên lửa của Bộ Quốc phòng đánh giá hệ thống THAAD mạnh về đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung nhưng không mạnh về đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tuy nhiên, chuyên gia Jeffrey Lewis cho rằng nếu phát triển khả năng này sẽ làm gia tăng cuộc đua vũ trang.