Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại hầu hết khu vực ở biển Đông. Philippines đã đệ trình vụ kiện chống lại các yêu sách chủ quyền vô lý đó lên Tòa án Thường trực tại The Hague (Hà Lan).
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối công nhận vụ kiện mặc dù nước này tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Amy Searight, phó trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách khu vực Nam và Đông Nam Á, nói rằng Mỹ, EU và các đồng minh Washington như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc phải sẵn sàng nhấn mạnh rằng phán quyết của tòa án quốc tế là bắt buộc và Trung Quốc phải trả giá cho việc không tôn trọng phán quyết nếu Bắc Kinh thua kiện.
Hình ảnh đá Vành Khăn chụp ngày 8-1-2016 cho thấy Trung Quốc đã xây xong một "bức tường biển" và cảng tại đây. Ảnh: CSIS
"Chúng ta cần sẵn sàng lên tiếng đứng sau Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác để khẳng định rằng đây là luật quốc tế và nó mang tính bắt buộc đối với tất cả bên" - bà Searight tuyên bố trong một hội nghị tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington.
Bà Searight khẳng định rằng nếu Trung Quốc không tôn trọng phán quyết của Tòa Thường trực trong trường hợp phán quyết không có lợi cho Bắc Kinh thì "chúng tôi sẽ bắt bạn (tức Trung Quốc) chịu trách nhiệm". "Chắc chắn cái giá phải trả đang cận kề nhưng chúng tôi đang nghĩ ra những cách thức sáng tạo để áp đặt cái giá đó" - bà Searight nói.
Trong khi đó, Klaus Botzet, người đứng đầu bộ phận chính trị của phái đoàn EU tại Washington, nhận định việc chống lại phán quyết của tòa án quốc tế là rất khó. "Một ý kiến chung của phương Tây, một ý kiến chung của thế giới đều sẽ gây trở ngại cho Bắc Kinh".
"Nếu chúng ta nhất trí ủng hộ rằng luật quốc tế được tòa án tại The Hague đưa ra cần được bảo vệ, đó sẽ là một thông điệp mạnh mẽ và sẽ rất khó để lờ đi" - ông nói.