Mỹ giục Ai Cập, Qatar gây áp lực lên Hamas

(PLO)- Tổng thống Mỹ Joe Biden đã viết thư cho các nhà lãnh đạo Ai Cập và Qatar, kêu gọi lãnh đạo hai nước gây sức ép lên Hamas để đạt được thỏa thuận thả con tin.

Theo một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ, ngày 5-4 Tổng thống Joe Biden đã viết thư cho các nhà lãnh đạo Ai Cập và Qatar. Qua các bức thư, ông Biden kêu gọi lãnh đạo hai nước gây sức ép lên Hamas để đạt được thỏa thuận thả con tin với Israel, theo đài CNA.

Những bức thư được gửi đi khi ông Biden cử Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Bill Burns tới Cairo (Ai Cập) để tham gia đàm phán vào cuối tuần này về cuộc khủng hoảng con tin. Vị quan chức trên cũng cho biết ngày 8-4, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden sẽ gặp các thành viên gia đình của khoảng 100 con tin bị Hamas bắt.

Trước đó, đài CNN dẫn lời một nhà ngoại giao cho biết Hamas đã từ chối đề xuất mới nhất của Israel về thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin, được đưa ra từ đầu tuần này. Phía Hamas cho rằng đề xuất này không có gì mới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 5-4. Ảnh: AFP

Về tình hình tại Gaza, ngày 5-4, phía Israel cho biết sẽ cho phép chuyển hàng viện trợ "tạm thời" tới miền bắc Gaza. Israel chấp nhận cho phép chuyển hàng viện trợ sau khi một loạt nước và tổ chức lên tiếng cảnh báo.

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel – ông Benjamin Netanyahu hôm 5-4, Tổng thống Biden đề nghị Israel có các bước cụ thể để giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza. Trong khi đó, phía Đức cho rằng Israel "không còn lý do gì" để trì hoãn việc chuyển hàng viện trợ sau gần 6 tháng xung đột diễn ra.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cảnh báo "các biện pháp rải rác" để đưa hàng viện trợ cho Gaza là chưa đủ. “Chúng ta cần sự thay đổi mang tính điển hình” – ông nói.

Cũng trong ngày 5-4, phía Israel đã đề cập nguyên nhân dẫn đến "sai lầm" trong cuộc không kích ở Gaza tối 1-4, khiến 7 nhân viên của tổ chức từ thiện World Central Kitchen thiệt mạng.

Theo đó, phía Israel cho biết họ đã nhắm vào một "chiến binh Hamas" trong cuộc không kích. Lực lượng Israel cũng thừa nhận một loạt "sai lầm nghiêm trọng" và sự vi phạm các quy tắc giao chiến của chính họ đưa ra.

Trước đó, nhiều nước đã chỉ trích Israel về cuộc tấn công. Các nhân viên thiệt mạng nói trên bao gồm 1 người Úc, 3 người Anh, 1 người mang quốc tịch Mỹ-Canada, 1 người Palestine và 1 người Ba Lan.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng "việc Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ việc này là rất quan trọng".

Anh cũng kêu gọi Israel thực hiện "cuộc đánh giá hoàn toàn độc lập".

Trong khi đó, phía Ba Lan cho biết họ đã yêu cầu Israel tiến hành một "cuộc điều tra hình sự" về "vụ sát hại" các nhân viên này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới