Theo kênh Al Jazeera ngày 21-6, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington thấy khó hiểu việc các quốc gia vùng Vịnh vẫn chưa công bố chi tiết về những cáo buộc họ nhằm vào Qatar sau hơn hai tuần áp đặt lệnh phong tỏa nhằm vào Doha và cắt quan hệ ngoại giao với nước này.
Bà Heather Nauert, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, trong một cuộc họp báo hôm 20-6 cho biết thời gian càng trôi qua thì càng nhiều nghi ngờ được đặt ra về các biện pháp cô lập Qatar được các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cùng các đồng minh áp đặt.
“Tại thời điểm này, chúng tôi chỉ có một câu hỏi: Liệu những hành động này thật sự xuất phát là do các quan ngại của họ vì cho rằng Qatar tài trợ khủng bố hay là vì mối bất hòa lâu năm giữa các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC)” - bà Nauert nhấn mạnh.
Bà Heather Nauert, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ. Ảnh: Al Jazeera
Bên cạnh ba quốc gia vùng Vịnh kể trên cắt quan hệ với Qatar còn có Ai Cập. Cairo tuyên bố cắt hợp tác trên không và trên biển với Qatar hôm 5-6, cáo buộc Doha tài trợ chủ nghĩa khủng bố mặc dù Qatar kịch liệt phủ nhận. Họ yêu cầu các công dân Qatar rời khỏi nước họ, đồng thời kêu gọi công dân nước mình ở Qatar trở về nước, làm gián đoạn cuộc sống của hàng ngàn người trong khu vực.
Lệnh phong tỏa cũng cấm nhập khẩu thực phẩm và các mặt hàng khác vào Qatar. UAE trong tuần này cho biết lệnh trừng phạt Qatar có thể kéo dài nhiều năm nếu Doha không chấp nhận yêu cầu mà các quốc gia Ả Rập sắp tiết lộ trong vài ngày tới. Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho biết chính phủ Doha sẽ không thương lượng với các nước láng giềng nhằm giải quyết bất hòa nếu họ không chịu gỡ bỏ lệnh cấm du lịch và thương mại.
Trong hai tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Qatar, trong khi Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc kiếm cách duy trì tính trung lập trong khủng hoảng ở vùng Vịnh. Trong một bình luận hôm 9-6, ông Trump nói rằng “quốc gia Qatar về mặt lịch sử là một nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố với một mức độ rất cao”, tuy nhiên nhà lãnh đạo Mỹ lại không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào. Ông Trump cũng hoan nghênh động thái cắt ngoại giao với Qatar của các nước Ả Rập.
Trong khi đó, kênh Al Jazeera cho rằng bình luận hôm 20-6 của Bộ Ngoại giao Mỹ đánh dấu sự thay đổi trong chính sách của Mỹ. “Trong hai tuần nổ ra khủng hoảng vùng Vịnh, Bộ Ngoại giao Mỹ đang đổi bên, đang chỉ trích những nước phong tỏa Qatar” - phóng viên James Bays của kênh Al Jazeera đưa tin từ Washington.
Ông Bays cho biết bình luận trên gần như chắc chắn thể hiện lập trường của Lầu Năm Góc và Nhà Trắng nhưng “liệu Tổng thống Trump có tham gia chính sách này hay không”. “Rất có khả năng một trong số các quốc gia ủng hộ lệnh phong tỏa sẽ vận động Tổng thống Trump đảo lộn chính sách mới này” - ông Bays nói thêm.
Ngoại trưởng Qatar dự kiến tới Mỹ vào tuần tới để hội đàm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Nhà phân tích chính trị cấp cao của Al Jazeera, ông Marwan Bishara đánh giá thời điểm Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra bình luận trên trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Qatar là “rất quan trọng”.