Trước những diễn biến này, các cường quốc trong và ngoài khu vực bắt đầu vào cuộc.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gần đây đã cử một nhóm nhà điều tra tới Doha nhằm giúp chính phủ Qatar điều tra nghi vấn sự cố tấn công mạng liên quan tới tin tặc Nga. Các cơ quan an ninh Mỹ nghi ngờ tin tặc Nga đứng sau vụ xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát hãng thông tấn Qatar (QNA) vào ngày 23-5, tung tin tức giả mạo gây chia rẽ các đồng minh thân cận nhất của Washington ở vùng Vịnh. Các quan chức Mỹ nhận định mục đích vụ tấn công mạng dường như là muốn gây chia rẽ trong nội bộ Mỹ và các đồng minh. Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Qatar ở Washington nói cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục và kết quả sẽ sớm được công bố.
Quốc vương Tamim Bin Hamad Al Thani của Qatar (trái) gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Saudi Arabia hôm 21-5. Ảnh: GETTY
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-6 đã bày tỏ sự ủng hộ với các nước Ả Rập nỗ lực hành động chống khủng bố. Nhà lãnh đạo Mỹ ngày 6-6 đã dùng tài khoản Twitter chỉ trích Qatar và xác định rõ lập trường của Mỹ trong vấn đề này. Ông Trump hoan nghênh hành động của các nước Trung Đông với Qatar và coi đó là hệ quả từ bài phát biểu kêu gọi chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan mà ông đưa ra trong chuyến công du Saudi Arabia vừa qua.
Ngược lại với ông Trump, phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại quanh việc Qatar bị thế giới Ả Rập cô lập. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6-6 cũng đã điện đàm với quốc vương Tamim Bin Hamad Al Thani của Qatar, kêu gọi cuộc khủng hoảng phải được giải quyết bằng các biện pháp chính trị-ngoại giao và thông qua đối thoại, theo Reuters.
Trong khi đó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói việc cô lập và trừng phạt Qatar không giải quyết được vấn đề. Một nguồn thạo tin cho biết ông Erdogan trước đó đã điện đàm với các nhà lãnh đạo Qatar, Nga, Kuwait và Saudi Arabia để hạ nhiệt căng thẳng.