Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) gần đây đã cử một nhóm các nhà điều tra tới Doha nhằm giúp chính phủ Qatar điều tra khả năng về sự cố tin tặc này, đài CNN ngày 7-6 dẫn lời quan chức hai nước cho biết.
Các cơ quan an ninh Mỹ nghi ngờ tin tặc Nga đứng sau vụ xâm nhập và chiếm quyền kiểm soát Hãng thông tấn Qatar (QNA), tung tin tức giả mạo gây khủng hoảng giữa các đồng minh thân cận nhất của Washington ở vùng Vịnh.
Theo thông tin tình báo mà các cơ quan an ninh Mỹ thu thập được, tin tặc Nga đứng sau vụ xâm nhập mà chính phủ Qatar đã thông báo cách đây hai tuần. Qatar là "chủ nhà" của một trong những căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa các quốc gia Trung Đông với Qatar có thể làm gia tăng sự bất ổn khu vực. Ảnh: REUTERS
Chính phủ Qatar cho biết một tin tức giả được tung ra hôm 23-5 do tin tặc can thiệp vào cơ quan thông tấn nước này. Nội dung tin giả mạo phát biểu của Quốc vương Qatar thể hiện sự thân thiện với Iran, Israel và nêu câu hỏi liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cầm quyền bao lâu.
"Mọi lời buộc tội đều dựa trên thông tin sai lệch và chúng tôi nghĩ toàn bộ cuộc khủng hoảng này cũng đều dựa trên những thông tin đó. Bởi vì mọi chuyện bắt nguồn từ tin tức bịa đặt, xuất hiện trên cơ quan thông tấn của chúng tôi do tin tặc tấn công, FBI đã xác nhận điều này" - Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed Bin Abdulrahman al-Thani nói.
Hoàng thân Saif Bin Ahmed Al-Thani, Giám đốc Phòng Thông tin chính phủ Qatar, khẳng định Bộ Nội vụ Qatar đang hợp tác với FBI và Cơ quan Chống tội phạm quốc gia Anh trong cuộc điều tra tin tặc nhằm vào hãng thông tấn Qatar. "Bộ Nội vụ sẽ công bố kết quả điều tra ngay khi hoàn thành" - ông trả lời CNN.
Nghi vấn tin tặc Nga đang khiến các cơ quan tình báo và chấp pháp Mỹ thêm lo ngại rằng Nga đang tiếp tục dùng một số biện pháp tấn công mạng tương tự nhằm vào các đồng minh của Washington.
Các cơ sở tình báo tin rằng các biện pháp tấn công mạng này đã được sử dụng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Các quan chức Mỹ nhận định mục đích dường như là muốn gây chia rẽ trong Mỹ và các đồng minh. Trong những tháng gần đây, các hoạt động không gian mạng bị tình nghi của Nga, bao gồm lan truyền tin giả lần nữa đã nổi lên trong các cuộc bầu cử ở Pháp, Đức và các quốc gia khác. Moscow đã mạnh mẽ phủ nhận liên quan.
Hiện chưa rõ Mỹ lùng ra được dấu vết các tin tặc từ sự việc ở Qatar tới các tổ chức tin tặc Nga hay các cơ quan an ninh Nga từng bị đỗ lỗi can thiệp bầu cử Mỹ hay không. Một quan chức Mỹ lưu ý rằng dựa trên các thông tin tình báo trong quá khứ "không có nhiều điều xảy ra ở nước Nga mà không có sự hỗ trợ" hay cho phép ngầm của chính phủ.
Thị trường chứng khoáng Qatar sụt giảm vì cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn. Ảnh: REUTERS
FBI và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ chối bình luận về diễn biến mới trên. Một phát ngôn viên của đại sứ quán Qatar ở Washington nói điều tra vẫn đang tiếp tục và kết quả sẽ sớm được công bố.
Các nước láng giềng của Qatar gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Yemen, Libya và Maldives liên tiếp tuyên bố cắt đứt quan hệ về chính trị và kinh tế với Qatar dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn. Họ cáo buộc Qatar ủng hộ khủng bố. Phía Doha mô tả hành động của các nước kể trên hoàn toàn phi lý, dựa trên những thông tin vô căn cứ.
Mới đây, Jordan ngày 7-6 cũng tuyên bố hạ cấp quan hệ với Qatar và đóng cửa văn phòng đại diện của kênh Al-Jazeera TV của nước này có trụ sở tại Doha. Phát ngôn viên chính phủ Jordan Mohammed Momani cho biết đưa ra quyết định này nhằm đảm bảo ổn định khu vực, phối hợp chính sách của các quốc gia Ả Rập và “chấm dứt khủng hoảng trong khu vực của chúng ta".
Hôm 6-6 trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích Qatar. Ông Trump ủng hộ Saudi Arabia cùng các nước trong khu vực chấm dứt quan hệ ngoại giao với Doha do cáo buộc nước này tài trợ khủng bố. Ông Trump cũng không tin tin tặc đã tung ra tin tức giả mạo.