Cuối ngày 6-6 thêm một nước nữa cắt quan hệ với Qatar vì cùng lý do Qatar ủng hộ khủng bố là Mauritania - một thành viên Liên đoàn Ả Rập. Ngoài ra còn có thêm một nước Ả Rập nữa tham gia tăng áp lực lên Qatar là Jordan. Nước này đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Qatar và thu hồi giấy phép hoạt động của đài Al Jazeera (Qatar) chi nhánh Jordan.
Trước đó ngày 5-6, Qatar bị liên tiếp bảy nước vùng Vịnh và Trung Đông cắt quan hệ, bắt đầu là Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, sau đó đến Yemen, Libya, Mandives. Lý do theo cáo buộc của các nước là vì Qatar ủng hộ khủng bố và thân Iran. Qatar kịch liệt bác bỏ, chỉ trích các động thái này là thiếu công bằng.
Theo Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al-Jubeir ngày 6-6, Qatar nếu muốn chấm dứt bị cô lập cần phải có các bước đi như chấm dứt ủng hộ nhóm vũ trang Hamas và phong trào Anh em Hồi giáo (MB).
Khủng hoảng ngoại giao này còn có thể xem là biện pháp trừng phạt kinh tế với Qatar vì các nước Ả Rập đồng loạt phong tỏa các tuyến giao thông với Qatar. Biên giới đường bộ duy nhất của Qatar là với Saudi Arabia. Các nước cũng đóng cửa cảng biển và không phận với Qatar.
Tuyến đường biển từ Qatar đi các nước đã bị phong tỏa sau khủng hoảng ngoại giao này. Ảnh: REUTERS
Giao dịch dầu thô, kim loại của Qatar sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Qatar còn có nguy cơ lâm vào cảnh khan hiếm thực phẩm, có thể dẫn tới hỗn loạn về kinh tế nhanh chóng, kéo theo bất ổn về xã hội và chính trị. Dân Qatar ngày 6-6 lũ lượt kéo đến các siêu thị tích trữ thực phẩm. Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk cho biết không thể vận chuyển hàng hóa tới hay đi khỏi Qatar vì không được phép qua cảng Jebel Ali của UAE.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Al-Jubeir cho rằng bị đánh vào kinh tế sẽ khiến Qatar suy nghĩ lại mà thay đổi chính sách.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani cho biết Qatar sẽ không trả đũa, hy vọng Kuwait sẽ làm cầu nối giải quyết khủng hoảng.
“Chúng tôi muốn ngồi xuống và đối thoại” - ông Mohammed nói với CNN, rằng Qatar “đang bảo vệ thế giới khỏi những thành phần có nguy cơ trở thành khủng bố”. Quốc vương Sabah Al-Ahmad Al-Jaber al-Sabah của Kuwait ngày 6-6 đã bay tới Saudi Arabia gặp vua Salman bin Abdulaziz.
Ngày 6-6, một quan chức Qatar nói khủng hoảng ngoại giao này có thể sẽ khiến Qatar phải rời khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) trong “sự nuối tiếc lớn”. Qatar, Saudi Arabia, UAE, Bahrain đều là thành viên của GCC gồm sáu nước. Với diễn biến khủng hoảng ngoại giao này, GCC chỉ còn Oman và Kuwait giữ quan hệ với Qatar.
Giá dầu toàn cầu giảm mạnh vì lo ngại khủng hoảng ngoại giao này có thể phá hỏng nỗ lực kiềm chế sản lượng khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).