Mỹ chắc chắn sẽ không ngồi yên với khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar với 7 nước vùng Vịnh, các đương kim và cựu quan chức Mỹ dự đoán ngày 5-6.
Theo các quan chức này, Mỹ hoàn toàn không hay biết gì về quyết định cắt đứt quan hệ với Qatar của 7 nước vùng Vịnh, cũng không thể xác định chính xác điều gì đã khiến 7 nước vùng Vịnh đồng loạt cắt quan hệ với Qatar. Theo họ, có thể Saudi Arabia có thể thấy khuyến khích từ sau khi ông Trump thăm nước này và tuyên bố quan điểm chống Iran.
Tuy nhiên các quan chức này khẳng định một điều Mỹ có quá nhiều lý do để duy trì quan hệ hữu nghị giữa các nước trong khu vực. Dù là nước nhỏ trong vùng Vịnh nhưng Qatar cực kỳ quan trọng với các quyền lợi ngoại giao và quân sự với Mỹ. Qatar cũng là nơi có Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) chuyên trách các hoạt động quân sự khu vực Trung Đông và Trung Á. Qatar cũng là nơi có căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông - căn cứ Al-Udeid nơi đang có khoảng 10.000 quân Mỹ đang đóng quân.
Căn cứ không quân Al-Udeid của Mỹ ở Qatar. Ảnh: MILITARY BASES
Các chiến dịch quân sự của Mỹ ở khu vực chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng vì khủng hoảng ngoại giao này, trong đó đáng lo nhất là cuộc chiến truy quét IS. Căn cứ Al-Udeid là nơi xuất phát của các cuộc không kích IS ở Syria và Iraq. Mà tiêu diệt IS là một ưu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Có thể thấy được tầm quan trọng này qua việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 5-6 đã phải vội vàng trấn an các đồng minh chống IS, bảo đảm hoạt động của liên quân.
Về phần mình, ngay từ khi mới có thông tin, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nhanh chóng lên tiếng kêu gọi các nước vùng Vịnh kiềm chế, đồng thời khẳng định Mỹ sẵn sàng tham gia hòa giải.
Bà Marcelle Wahba, cựu đại sứ Mỹ tại UAE và hiện là Chủ tịch Viện Các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh (Mỹ) cho rằng Mỹ có đòn bẩy để hòa giải thành công, nhưng phải sử dụng đòn bẩy này một cách thận trọng.
“Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc khủng hoảng này. Chúng ta sẽ làm gì? Tôi nghĩ chúng ta làm được nhiều thứ. Tôi không tin chúng ta sẽ chịu ngồi yên để cuộc khủng hoảng này tiến triển nghiêm trọng hơn”.
Quốc vương Qatar Tanim Bin Hamad Al Thani dự hội nghị Liên đoàn Ả Rập hồi tháng 3. Ảnh: GETTY IMAGES
Sáng 5-6, 4 nước Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ với Qatar. 3 nước Yemen, Libya, Mandives hành động tương tự sau đó vài giờ. Lý do theo cáo buộc của 7 nước vùng Vịnh này là vì Qatar ủng hộ khủng bố và thân Iran. Qatar, Saudi Arabia, UAE, Bahrain đều là thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm 6 nước. Với diễn biến này, GCC chỉ còn Oman và Kuwait giữ quan hệ với Qatar.
Chưa rõ các bước đi cụ thể của Mỹ sẽ là gì. Trước mắt, một quan chức cho biết Mỹ sẽ gửi đại diện đến tham gia nếu GCC họp để bàn về khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng này.