“Chính phủ Yemen tuyên bố cắt quan hệ ngoại giao với Qatar. Chính phủ Yemen cũng xác nhận liên quân Ả Rập đình chỉ sự tham gia của Qatar” - Đài truyền hình Al-Arabiya của Yemen cho biết. Theo Al-Arabiya, Sanaa cáo buộc Doha ủng hộ các nhóm cực đoan ở Yemen. Tiếp sau Yemen, Libya cũng cắt quan hệ ngoại giao với Qatar.
Cảng ở thủ đô Doha của Qatar. Ảnh: AFP
Trước đó, hôm 4-6, bốn nước gồm Bahrain, Ả Rập Saudi, Ai Cập và UAE đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar, viện dẫn các quan ngại an ninh trước việc Doha bị cáo buộc tài trợ chủ nghĩa khủng bố.
Trong khi đó, Qatar đã phản đối các quyết định “không hợp lý” của Bahrain, Ả Rập Saudi, Ai Cập và UAE khi cắt quan hệ ngoại giao với nước này. Sputnik cho biết Bộ Ngoại giao Qatar ngày 5-6 bày tỏ hối tiếc trước các quyết định này. “Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định cắt quan hệ ngoại giao với chúng tôi. Những biện pháp này là không hợp lý, họ đã khẳng định mà không có cơ sở” -thông cáo do tờ Al-Jazeera công bố.
Bộ Quốc phòng Qatar nói thêm: “Nhà nước Qatar là một thành viên tích cực của Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), tôn trọng hiến chương của GCC, tôn trong tính chủ quyền của các quốc gia khác và không can thiệp vào công việc nội bộ của họ, đồng thời cũng thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan”.
Phát biểu từ Úc, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã thúc giục các nước trên tìm ra bất đồng và nhờ Mỹ giúp đỡ. “Chúng tôi nhất định sẽ khuyến khích các bên cùng nhau ngồi xuống và giải quyết các bất đồng. Và nếu chúng tôi có thể đóng bất kỳ một vai trò nào trong việc giúp giải quyết các vấn đề đó, chúng tôi nghĩ GCC vẫn thống nhất là điều quan trọng” - ông Tillerson nhấn mạnh. Ông Tillerson cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đang ở Sydney để hội đàm với những người đồng cấp Úc.
Sau khi tái khẳng định rằng vụ lùm xùm này sẽ không tác động tới cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), ông Mattis đã đổ lỗi cho Iran gây bất ổn trong khu vực.