Theo hãng tin Sputnik ngày 6-6, nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc Viện về các vấn đề vùng Vịnh, GS Ali al-Ahmed nói rằng quyết định cắt mọi quan hệ với Qatar của Saudi Arabia có lẽ là bước mở đầu cho cuộc xâm lăng tiểu vương quốc giàu có này.
“Tôi nghĩ đó là cuộc xâm lược Qatar… Tôi đã nhận được các báo cáo về các hoạt động chuyển quân của Saudi Arabia gần biên giới Qatar. Saudi Arabia có vẻ đang chuẩn bị” – ông al-Ahmed nhấn mạnh hôm 5-6.
Các xe bọc thép của Saudi Arabia. Ảnh: AFP
Ông Al-Ahmed cảnh báo rằng một cuộc tấn công toàn diện vào Qatar có thể xảy ra sớm hơn so với dự đoán của bất cứ ai.
“Nếu có sự cắt giảm đáng kể hoặc ngừng các cuộc không kích của Saudi nhằm vào lực lượng nổi dậy ở Yemen, đó sẽ là một tín hiệu mấu chốt. Viễn cảnh này nếu xảy ra sẽ cho thấy Saudi đang dồn lực lượng để thực hiện một động thái bất ngờ giáng vào Qatar” – ông al-Ahmed nhận định.
Chuyên gia al-Ahmed cũng lo ngại khả năng Mỹ đứng về phía Saudi Arabia nếu xung đột quân sự nổ ra. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson là người có quan hệ thân thiết, gần gũi với hoàng gia Saudi trong suốt 15 năm ông giữ chức Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí ExxonMobil.
Tuy nhiên, các dự đoán của ông al-Ahmed thật sự là khá khó tin. Căn cứ không quân al-Udeid của Qatar hiện đang là “nhà” của gần 10.000 quân Mỹ và là nơi Bộ chỉ huy Trung tâm của Mỹ (CENTCOM) đóng đô. Đây cũng là căn cứ quan trọng để Mỹ và liên quân chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) mở các chiến dịch quan trọng tại Syria và Iraq. Những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và ông Tillerson vừa qua dù ủng hộ lý do chống Iran trong quyết định cắt ngoại giao với Qatar của các nước vùng Vịnh, nhưng vẫn kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp hòa giải.
Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani trong một hội nghị thượng đỉnh tại Riyadh, Saudi Arabia vào ngày 11-11-2015. Ảnh: REUTERS
Nếu Riyadh xâm chiếm Doha, Saudi Arabia cũng sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), đặc biệt là Vương quốc Bahrain.
“Người Saudi Arabia hẳn rất tức giận với người Qatar. Họ không muốn để Yemen có được độc lập. Bahrain cũng không ưa gì Qatar" – ông nhấn mạnh. “Saudi có hai mục tiêu: Thứ nhất, đưa Qatar vào mối quan hệ phụ thuộc và khi đó sẽ không có biện pháp thỏa hiệp. Thứ hai, Saudi đang chằm chằm nhìn vào trữ lượng tiền mặt khổng lồ của Qatar. Họ muốn nó’ – ông nói.
Ông al-Ahmed cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói rõ với Saudi rằng ông hy vọng Riyadh trả cho Washington một số tiền lớn dù trực tiếp hay gián tiếp xem như là chi phí Mỹ bảo hộ vương quốc này. Điều này làm tăng gánh nặng tài chính lên Riyadh.
“Saudi cần tiền ở bốn phương tám hướng. Bây giờ ông Trump lại đưa ra yêu cầu mới về tài chính với họ: Họ sẽ cạn kiệt tiền. Vì thế, họ rối bời với đống tiền mặt mới phát sinh trên” – ông nói. Saudi vẫn quyết tâm ngồi “chiếu trên” Qatar bởi cho rằng nước này hoàn toàn quy phục họ, al-Ahmed kết luận.