Ngày 5-6, Qatar bị cùng lúc 7 nước vùng Vịnh cắt quan hệ ngoại giao, gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Yemen, Libya, Mandives.
Trong số này có 3 thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nghĩa là Qatar chỉ còn quan hệ với Oman và Kuwait. Lý do theo cáo buộc của 7 nước vùng Vịnh này là vì Qatar ủng hộ khủng bố và thân Iran.
Đây được xem là một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất lịch sử vùng Vịnh, nhưng không hề bất ngờ vì là hậu quả của quá trình căng thẳng tích tụ hàng chục năm dài giữa Qatar và các nước vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia và UAE. Bất mãn, tức giận của các láng giềng với Qatar tăng cao bắt nguồn từ các chính sách của Quốc vương Hamad bin Khalifa al Thani của Qatar.
Ông Hamad lên nắm quyền lực sau một vụ đảo chính không đổ máu, lật đổ chính cha mình tháng 6-1995. Trong hai thập kỷ 1990-2000, cùng với Ngoại trưởng Hamad bin Jassim al Thani, ông Hamad định hướng Qatar phát triển thành một hiện tượng toàn cầu. Qatar phát triển hạ tầng khai thác khí gas hóa lỏng, tìm kiếm các thỏa thuận năng lượng dài hạn với các nước cả giàu và mới nổi toàn cầu.
Quốc vương Hamad bin Khalifa al Thani của Qatar theo đuổi chính sách độc lập, đưa Qatar thoát khỏi cái bóng của Saudi Arabia. Ảnh: LAPREESE
Việc Quốc vương Hamad lên ngôi không được các nước láng giềng ủng hộ. Saudi Arabia từng dính líu vào một âm mưu đảo chính tại Qatar vào tháng 2-1996 nhằm khôi phục quyền lực cho Quốc vương Khalifa. Năm 2006 lại thêm một vụ đảo chính tương tự nữa, cũng được cho là do Saudi Arabia xúi giục.
Ưu tiên của chính phủ Doha sau năm 1995 là theo đuổi các chính sách độc lập khu vực, nhằm đưa Qatar thoát khỏi cái bóng của Saudi Arabia. Qatar ủng hộ nhiều nhóm Hồi giáo trong khu vực, không chỉ phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập. Hãng tin Al Jazeera của Qatar được xem là nơi để các nhóm Hồi giáo chỉ trích các nước trong khu vực. Năm 2002, Saudi Arabia đã một lần rút đại sứ khỏi Qatar phản ứng với việc Al Jazeera đưa thông tin công việc nội bộ của mình. Phải tới 5 năm sau quan hệ hai bên mới bình thường lại.
Căng thẳng lần nữa nổi lên quanh việc Qatar ủng hộ các phong trào Hồi giáo trước, trong, và sau làn sóng biểu tình Mùa xuân Ả Rập. Qatar và UAE có chính sách trái ngược nhau đối với phong trào Anh em Hồi giáo (MB). Qatar và UAE ủng hộ các bên khác nhau trong nội chiến ở Ai Cập và Libya. Hai nước này trở thành chiến trường để Qatar và UAE vận động gia tăng ảnh hưởng.
Thời điểm Quốc vương Hamad chuyển giao quyền lực cho con trai Tamim Bin Hamad Al Thani 33 tuổi tháng 6-2013, Saudi Arabia và UAE đã hy vọng nhà lãnh đạo trẻ tuổi này sẽ khôi phục các chính sách với khu vực đã có từ thời Quốc vương Khalifa. Tuy nhiên, tháng 11-2013, 5 tháng sau khi ông Tamim nắm quyền, truyền thông Mỹ đưa tin phong trào MB tập trung ở Qatar sau khi lãnh đạo phong trào này là Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ. Khỏi phải nói Saudi Arabia và UAE đã tức giận thế nào.
Quốc vương Tamim bị Vua Abdullah của Saudi Arabia triệu tập đến, ra tối hậu thư phải “thay đổi đường lối của Qatar, đưa chủ trương với các vấn đề khu vực của Qatar trở lại phù hợp với chủ trương của các nước còn lại của GCC”. Tiểu vương Tamim còn bị ép ký một thỏa thuận an ninh “không can thiệp chuyện nội bộ của bất kỳ thành viên GCC nào”.
Quốc vương Tamim Bin Hamad Al Thani theo đường lối độc lập của cha bất chấp áp lực từ các láng giềng. Ảnh: THE NATIONAL
Khủng hoảng bắt đầu lên đỉnh điểm vào tháng 3-2014, khi Saudi Arabia và UAE cho rằng Qatar không tôn trọng toàn diện các cam kết Tiểu vương Tamim đã ký. Nhóm al-Islah ở UAE thân phong trào MB đã chạy sang Qatar sau khi bị đánh đuổi khỏi UAE năm 2012. Căng thẳng giữa UAE cũng như các nước vùng Vịnh đối với Qatar ngày một tăng bất chấp nỗ lực hòa giải của Quốc vương Sabah của Kuwait – người rất thân với ông Tamim. 3 nước Bahrain, Saudi Arabia, UAE cắt quan hệ với Qatar, rút các đại sứ về nước tới 9 tháng.
Căng thẳng dịu dần vào tháng 11-2014 sau hàng loạt nhượng bộ từ Qatar: di chuyển phong trào MB đến Thổ Nhĩ Kỳ, đề nghị nhóm al-Islah rời Qatar, đóng cửa chi nhánh Al Jazeera tại Ai Cập, thực thi Hiệp định An ninh Nội bộ GCC, hợp tác chặt với các đối tác GCC về an ninh và tình báo.
Chưa rõ lá bài cuối cùng của Saudi Arabia và UAE trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh nghiêm trọng này là gì. Đây không chỉ là khủng hoảng ngoại giao mà còn có thể xem là trừng phạt kinh tế với Qatar. Biên giới đường bộ duy nhất của Qatar là với Saudi Arabia. Qatar đang có nguy cơ lâm vào cảnh khan hiếm thực phẩm, có thể dẫn tới hỗn loạn về kinh tế nhanh chóng, kéo theo bất ổn về xã hội và chính trị.