Phát biểu trong cuộc họp báo tại New York hôm 22-9 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo Mỹ: “Đàm phán lại về thỏa thuận hạt nhân Iran đồng nghĩa với không tôn trọng thỏa thuận”. Ông khẳng định không chỉ Nga mà các nước châu Âu đã ký thỏa thuận và hầu hết các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đều mong muốn duy trì thỏa thuận.
Chỉ có Mỹ muốn rút
Hôm 21-9, tại New York, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhận định mọi toan tính rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ có thể khiến CHDCND Triều Tiên nản lòng. Ông cho biết Đức sẽ trao đổi với EU, Pháp, Anh và khi cần sẽ trao đổi với Trung Quốc và Nga để gây sức ép với Mỹ. Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries giải thích Đức là một trong những đối tác thương mại chính của Iran ở châu Âu và Đức có lợi ích lớn khi duy trì thỏa thuận.
Hai ngày trước, trong bài phát biểu nảy lửa dài 40 phút tại khóa họp thứ 72 của Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích ba quốc gia. Đối với Venezuela, ông đánh giá chế độ của Tổng thống Nicolás Maduro là “độc tài” và Mỹ đã sẵn sàng cho những hành động mới. Ông chỉ trích Triều Tiên là “chế độ xấu xa” và đe dọa sẽ hủy diệt toàn bộ Triều Tiên. Riêng với Iran, ông đánh giá thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 là “điều sỉ nhục” và là “một trong những cuộc đàm phán tồi tệ nhất mà Mỹ tham gia”.
Thỏa thuận hạt nhân Iran với tên gọi là “Chương trình hành động phối hợp toàn diện” đã được ký kết tại Vienna (Áo) ngày 14-7-2015 sau 12 năm thương lượng. Tám bên ký kết gồm Iran, các nước P5+1 (năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ + Đức) và EU. Thỏa thuận gồm ba điểm chính: Hạn chế chương trình hạt nhân Iran, bù lại lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran sẽ được dỡ bỏ và quốc tế sẽ tăng cường kiểm soát chương trình hạt nhân Iran.
Mỹ và Iran đàm phán về hạt nhân (nuclear deal) theo biếm họa của Emad Hajjaj, người Jordan.
Đến nay Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế khẳng định Iran tôn trọng cam kết nhưng Mỹ lại cho rằng Iran chưa hợp tác đầy đủ vì vẫn thử tên lửa đạn đạo và xúc tiến hoạt động gây bất ổn ở Trung Đông. Ngày 15-10 tới, nếu ông Trump tuyên bố trước Quốc hội Mỹ Iran không tôn trọng thỏa thuận hạt nhân, Quốc hội sẽ có 60 ngày để áp đặt lệnh cấm vận mới đối với Iran.
Trước lời hăm dọa của ông Trump, Iran đã tỏ ra không nhượng bộ. Ngày 22-9, phát biểu tại lễ duyệt binh kỷ niệm chiến tranh Iran-Iraq năm 1980 tại Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố: “Chúng ta sẽ tăng cường năng lực quân sự cần thiết để răn đe. Không chỉ vậy, chúng ta cũng sẽ phát triển tên lửa, không quân, lục quân và hải quân. Để bảo vệ tổ quốc, chúng ta sẽ không cần xin phép bất kỳ ai… Chúng ta sẽ bảo vệ các dân tộc bị áp bức ở Yemen, Palestine, Syria”. Trong lễ duyệt binh, Iran đã giới thiệu tên lửa đạn đạo mới Hormshr mang nhiều đầu đạn đạt tầm bắn xa đến 2.000 km.
An ninh nước Mỹ sẽ bị đe dọa
Tổng thống Hassan Rouhani đã tuyên bố Iran không đàm phán lại về thỏa thuận hạt nhân. Theo giới quan sát, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, Iran có thể khởi động lại các lò ly tâm làm giàu uranium. Như vậy xem như Iran đã hủy bỏ luôn thỏa thuận hạt nhân đã ký kết.
Liệu có thể thực hiện thỏa thuận hạt nhân Iran mà không cần Mỹ hay không? Điều này có thể xảy ra. Từ hai năm nay, Iran đã tái lập quan hệ kinh tế với nước ngoài, bởi thế Iran không muốn trở lại vị thế bị cô lập như trước. Ông François Nicoullaud, nguyên nhà thương lượng của Pháp về hạt nhân Iran, đánh giá: “Nếu Mỹ tái lập cấm vận đối với các doanh nghiệp ngoài Mỹ, lúc đó châu Âu sẽ phải phản ứng để bảo vệ các hợp đồng đã ký với Iran”.
Nếu đơn phương rút khỏi thỏa thuận, Mỹ sẽ bị cô lập, uy tín của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt đối với Triều Tiên và cộng đồng quốc tế sẽ đứng về phía Iran. Lúc đó Iran sẽ tăng cường quan hệ với Nga, biến mối quan hệ tương đồng lợi ích chiến thuật ở Syria thành mối quan hệ bền vững hơn, chiến lược hơn. Tình hình này sẽ giúp Nga tạo vị thế vững chắc hơn trên thế giới.
Chuyên gia Ross Harrisson, giảng dạy tại Trường Ngoại giao thuộc ĐH Georgetown (Mỹ), nhận xét nếu thỏa thuận hạt nhân Iran bị hủy bỏ, chiến tranh có thể bùng nổ. Iran có thể sẽ kích động dòng Shiite ở Bahrain và Saudi Arabia, tăng cường hậu thuẫn cho cánh Houthis ở Yemen, yểm trợ cho Hezbollah ở Lebanon đối phó với Israel và gây rối loạn ở Syria và Iraq. Lúc đó nội chiến sẽ leo thang và bất ổn sẽ gia tăng. Nếu Mỹ can thiệp quân sự ắt sẽ rơi vào bẫy xung đột.
Iran cũng sẽ giảm bớt hợp tác với phương Tây và cánh cứng rắn trong chính phủ Iran sẽ lấn lướt cánh ôn hòa. Nguy cơ dài hạn nghiêm trọng nhất đối với Mỹ và các nước Trung Đông là mất đi cơ hội. Hợp tác với ba cường quốc khu vực Iran, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ là điều cần thiết để kết thúc nội chiến và tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng vốn đang đe dọa an ninh của Mỹ.
Ông Ali Motahari, Phó Chủ tịch thứ hai Quốc hội Iran, tuyên bố nếu thỏa thuận hạt nhân Iran sụp đổ, chỉ trong vài ngày Iran có thể nối lại kế hoạch làm giàu uranium 20% như trước năm 2015. Song ông cho rằng ông Trump chỉ dọa rút khỏi thỏa thuận để gài Iran trở thành bên đầu tiên hủy bỏ thỏa thuận, từ đó lấy cớ mà trừng phạt. Ông khẳng định: “Iran sẽ không để rơi vào bẫy. Thế giới không hoàn toàn nghe theo ông Trump. Lệnh cấm vận đối với Iran sẽ không thể trở lại mức trước khi ký kết thỏa thuận. Lợi ích kinh tế của châu Âu không cho phép. Hiện nay hầu như Iran đã thoát khỏi tình trạng cô lập về kinh tế”. |