Ngày 10-2, một máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ đã bắn hạ một vật thể không xác định bay qua tiểu bang Alaska. Động thái này diễn ra chưa đầy một tuần sau khi quân đội Mỹ bắn rơi một khinh khí cầu Trung Quốc bay qua lục địa Mỹ, theo hãng tin Reuters.
"Chúng tôi không biết ai sở hữu vật thể này" - phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby. Ảnh: REUTERS |
Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã trực tiếp ra lệnh bắn hạ vật thể. Đây là sự can thiệp hiếm hoi ở cấp tổng thống do các báo cáo ban đầu cho thấy vật thể không gây ra mối đe dọa quân sự và khá thô sơ.
Lầu Năm Góc và Nhà Trắng từ chối mô tả chi tiết về vật thể mới nhất bị bắn hạ, chỉ nói rằng nó nhỏ hơn nhiều so với quả bóng bay của Trung Quốc. Lầu Năm Góc cho biết nó đang bay ở độ cao khoảng 12.190 mét, gây rủi ro cho giao thông hàng không dân sự.
Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder, vật thể bị bắn hạ có kích thước bằng một chiếc ô tô nhỏ.
Vật thể này bị bắn hạ trên vùng cực đông bắc của Alaska gần biên giới Canada nơi nó đang di chuyển theo hướng đông bắc. Lầu Năm Góc cho biết nó được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 9-2 bằng radar mặt đất. Máy bay chiến đấu sau đó đã được cử đi để điều tra thêm.
Ông Ryder cho biết các phi công Mỹ bay dọc theo nó đã xác định rằng không có người trên máy bay. Ông nói thêm rằng nó không có khả năng điều động và không giống một máy bay. Tuy nhiên, ông không nói rõ liệu nó chỉ đơn giản là một quả bóng thời tiết hay một loại khí cầu khác.
"Đó không phải là một chiếc máy bay" - ông Ryder nói trong một cuộc họp báo.
Trước khi bắn hạ vật thể, Cục Quản lý Hàng không Liên bang đã hạn chế các chuyến bay trên một khu vực rộng khoảng 26 km2 trong không phận Mỹ gần trạm không quân Bullen Point ở Alaska, theo hãng tin AP.
Trước đó, ngày 4-2, một máy bay chiến đấu F-22 khác của Mỹ đã bắn hạ vật thể mà chính phủ nước này gọi là khinh khí cầu giám sát của Trung Quốc ngoài khơi bờ biển North Carolina, sau khi nó bay qua Mỹ và một số khu vực khác ở Canada.