Mỹ vừa có bước đi đẩy mạnh nỗ lực tăng áp lực lên Triều Tiên, quyết tâm giải quyết các chương trình vũ khí của nước này.
Tại Ottawa thuộc Ontario (Canada) ngày 19-12, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp chủ nhà Chrystia Freeland cùng thông báo lập một nhóm quốc tế hành động nhằm tăng áp lực lên Triều Tiên.
Nhóm này có tên “Nhóm Vancouver”, gồm 16 nước từng tham gia liên minh quân sự do LHQ dẫn đầu trong chiến tranh liên Triều, cùng các thành viên mới là Hàn Quốc, Nhật, Ấn Độ, Thụy Điển và một số nước khác. Nhóm sẽ gặp nhau lần đầu vào ngày 16-1 ở Vancouver (Canada), nhằm “thể hiện sự đoàn kết quốc tế trước sự nguy hiểm và các hành động bất hợp pháp của Triều Tiên”, như lời Ngoại trưởng Canada Freeland.
Nhóm sẽ bàn làm thế nào “cải thiện tính hiệu quả của chiến dịch tăng áp lực hiện tại” và “chuẩn bị cho viễn cảnh đối thoại”, ông Tillerson cho biết vì theo ông mục tiêu cuối cùng vẫn là đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán.
“Chiến dịch tăng áp lực chủ ý là dẫn đến đối thoại. Chúng ta không thể đối thoại khi Triều Tiên chưa sẵn sàng và tôi nghĩ, như chúng tôi đã nói trước đó, chúng tôi sẽ đợi họ ra dấu sẵn sàng đối thoại” – theo ông Tillerson, cho biết chiến dịch tăng áp lực sẽ không dừng lại đến khi nào Triều Tiên đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và cho phép quốc tế thẩm tra điều đó.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) và Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đến cuộc họp báo chung sau cuộc gặp ở Ottawa, Ontario (Canada) ngày 19-12. Ảnh: REUTERS
Nỗ lực này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên không tỏ thái độ gì mặn mà với lời đề nghị đối thoại của ông Tillerson tuần trước. Thật ra đến giờ vẫn chưa thể xác định rõ chủ trương của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên. Trong ngày 19-12, ông Tillerson vẫn nói rằng Nhà Trắng ủng hộ đối thoại với Triều Tiên, dù trước đó Nhà Trắng đã bác bỏ “giờ chưa phải lúc để đối thoại” và Tổng thống Donald Trump từng nói ông Tillerson đừng phí sức.
Theo ông Tillerson, một chiến dịch tăng áp lực một cách hòa bình, thiết lập các lệnh trừng phạt mạnh nhất có thể để đưa Triều Tiên đến bàn đàm phán cũng là ý tưởng của Hội đồng An ninh Quốc gia chính phủ Trump.
“Nếu không chúng tôi không cần phải làm điều này, mà chỉ cần thực hiện thẳng phương án quân sự” - ông Tillerson nói.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong cuộc họp báo sau cuộc họp tại Ottawa, Ontario (Canada) ngày 19-12, khẳng định Nhà Trắng ủng hộ đối thoại với Triều Tiên. Ảnh: REUTERS
Trong ngày 19-12, Mỹ kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ đưa vào danh sách đen 10 tàu luồn lách tránh các lệnh trừng phạt Triều Tiên. Theo tài liệu mà Reuters thu thập được, 10 tàu này đã luồn lách nhiều cách để vận chuyển các sản phẩm dầu tinh chế cho Triều Tiên, hoặc vận chuyển than của Triều Tiên ra nước ngoài, vi phạm các lệnh trừng phạt của LHQ.
Trong số này có 2 tàu mang cờ Hong Kong, 4 tàu mang cờ Triều Tiên, 3 tàu mang cờ Panama, 1 tàu mang cờ Togo và 1 tàu chưa rõ mang cờ nước nào. Một khi bị HĐBA LHQ đưa vào danh sách đen, các tàu này sẽ bị các nước thành viên LHQ cấm nhập cảnh. Dự kiến phiên họp bỏ phiếu về quyết định này sẽ diễn ra chiều 21-12 (giờ Mỹ).
Hiện Triều Tiên đang bị LHQ cấm vận vũ khí, cấm xuất khẩu than, hàng dệt may, hải sản, sắt và một số khoáng sản. Tháng 9 vừa rồi, HĐBA đặt giới hạn chỉ xuất khẩu cho Triều Tiên tối đa 2 triệu thùng dầu mỗi năm.
Ngày 19-12 là ngày thắng lớn của ông Tillerson khi đề cử của ông cho vị trí trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó có Triều Tiên, Trung Quốc cùng nhiều vấn đề an ninh quốc gia quan trọng khác, được chấp nhận. Đảm nhiệm vụ trí này là bà Susan Thornton, người từng có quá trình làm việc thân thiết với ông Tillerson.
Cũng theo ông Tillerson, hiện Mỹ không có kế hoạch hủy hay hoãn các cuộc tập trận quân sự chung Mỹ-Triều đến sau Thế vận hội Mùa đông ở Hàn Quốc, như lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa đề cập.