Chính phủ Mỹ đang lật lại nỗ lực bắt ông Julinan Assange, nhà sáng lập WikiLeaks - chuyên đăng tải các tài liệu mật bị rò rỉ. CNN cho biết hiện các nhà chức trách Mỹ đang chuẩn bị các cáo buộc để tìm lệnh bắt ông Assange.
Cuộc điều tra ông Assange và WikiLeaks của Bộ Tư pháp Mỹ bắt đầu từ năm 2010, khi trang web này công bố hàng ngàn tập tài liệu của chính phủ Mỹ do một nhân viên phân tích tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning ăn cắp được.
Từ thời điểm đó đến giờ việc bắt ông Assange đã không thể được thực thi vì vướng nội dung Tu chánh án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ, vốn bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí. Tuy nhiên, thời điểm này các công tố viên tin rằng đã tìm ra cách.
Ông Julinan Assange, nhà sáng lập WikiLeaks, đang ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador ở Anh. Ảnh: NEW YORK TIMES
Thời chính phủ Obama, Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và nhiều quan chức trong Bộ Quốc phòng đã nói việc bắt giữ và truy tố ông Assange là điều khó, vì WikiLeaks không phải là trang web duy nhất công bố các tài liệu Manning ăn cắp. Ngoài ra còn có nhiều tờ báo khác, trong đó có cả New York Times của Mỹ. Từ đó đến nay cuộc điều tra vẫn tiếp tục nhưng khả năng truy tố thì bị lưu lại.
Quan điểm của Mỹ về WikiLeaks và ông Assange thay đổi sau khi các nhà điều tra tìm thấy chứng cứ cho thấy WikiLeaks giữ vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ Edward Snowden, một nhân viên phân tích tình báo của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, tiết lộ một số lượng khổng lồ thông tin mật của chính phủ Mỹ.
Theo Giám đốc CIA Mike Pompeo tuần trước, vai trò của WikiLeaks đã vượt qua những gì mà Tu chánh án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ bảo vệ. WikiLeaks đã chỉ đạo Chelsea Manning ăn cắp thông tin mật, mục tiêu WikiLeaks nhắm đến là làm hại Mỹ.
“Giờ là lúc nêu bản chất thật của WikiLeaks: Một tổ chức tình báo thù địch phi quốc gia, thường được nhiều nước xúi giục, như Nga” - theo ông Pompeo.
Các cơ quan tình báo Mỹ cũng xác định tình báo Nga đã sử dụng WikiLeaks để công bố các thư điện tử phá hoại chiến dịch tranh cử của ứng viên Dân chủ Hillary Clinton. Các tin tặc làm việc cho tình báo Nga đã ăn cắp hàng ngàn thư điện tử từ Ủy ban đảng Dân chủ và thành viên đội tranh cử của bà Clinton, sau đó nhờ trung gian chuyển số thư này cho WikiLeaks công bố.
Ông Pompeo còn cho rằng ông Assange không phải là công dân Mỹ, nên cũng không cần phải áp dụng nội dung Tu chánh án thứ nhất của Hiến pháp với ông này.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ngày 20-4 khẳng định việc bắt ông Assange là một ưu tiên hiện tại. Tuy nhiên, theo CNN, việc bắt giữ sẽ vướng phải rào cản chính trị rất lớn, khi Ecuador chưa thay đổi quan điểm về bảo hộ ông Assange.
Hiện ông Assange đang ẩn náu tại Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh), tránh lệnh bắt từ chính phủ Thụy Điển vì các cáo buộc cưỡng hiếp. Vài tháng gần đây các quan chức Mỹ đã hy vọng khả năng chính phủ Ecuador mới sẽ đồng ý trục xuất ông Assange và Mỹ có thể bắt giữ ông này. Tuy nhiên, Mỹ đã phải thất vọng khi vị tổng thống mới đắc cử của Ecuador vừa tuyên bố sẽ tiếp tục cho ông Assange ẩn náu.
Luật sư Barry Pollack đại diện ông Assange cho biết phía Mỹ chưa hề báo gì về khả năng tìm lệnh bắt giữ ông Assange. Theo ông, WikiLeaks phải được đối xử bình đẳng như các cơ quan ngôn luận khác, cụ thể là như các tờ báo đã từng công bố thông tin mật như New York Times hay Washington Post.