Có mặt tại Việt Nam sau khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN tại Campuchia, mục đích chính trong chuyến thăm lần này của Đại diện thương mại - Ron Kirk là thúc đẩy quá trình đàm phán Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) - quy chế mà Việt Nam, Mỹ và 7 quốc gia khác đang xây dựng.
Đại diện thương mại Mỹ - Ron Kirk. Ảnh: WEF |
Từ chối tiết lộ tiến triển cụ thể của quá trình đàm phán (đã diễn ra được 13 vòng) cũng như rào cản lớn nhất mà các bên đang gặp phải, nhưng theo ông Kirk, hiện dư luận đang hết sức quan tâm tới những vẫn đề như công nghệ, các hàng rào kỹ thuật, chính sách thuế cũng như môi trường... trong khuôn khổ hợp tác giữa các quốc gia. Riêng trong các vòng đàm phán song phương giữa Việt Nam và Mỹ, các vấn đề như phát triển tập đoàn - tổng công ty nhà nước (SOE), quyền riêng tư trên internet, sở hữu trí tuệ... cũng được nhắc tới.
"Nguyên tắc khi gia nhập TPP là tăng cường mở cửa cho hàng hóa - dịch giữa các quốc gia. Với Việt Nam, vấn đề của SOE cũng đáng quan tâm. Mỹ không chủ trương hạn chế sự phát triển của khu vực này nhưng mong muốn có một sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế", đại diện này cho biết.
Trước câu hỏi của báo chí Việt Nam về việc Mỹ luôn kêu gọi mở cửa thương mại nhưng lại liên tục đặt ra các rào kỹ thuật với hàng hóa, đặt biệt là nông sản - thực phẩm của Việt Nam, ông Ron Kirk khẳng định đây là những tiêu chuẩn chung mà Mỹ áp dụng với hàng hóa nhập khẩu, chứ không cá biệt dành cho Việt Nam. Ông cũng cho rằng việc kim ngạch xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ đã tăng gấp 3 lần trong năm 2011, lên mức 300 triệu USD cho thấy doanh nghiệp Việt không quá khó khăn khi tiếp cận thị trường này.
"Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ tại ASEAN. Năm ngoái, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều giữa 2 nước là 22 tỷ USD, tăng 17%. Đương nhiên trong buôn bán, ai cũng muốn một cán cân thăng bằng, nhưng Mỹ cũng ý thức được Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, nên sẽ cố gắng hỗ trợ hết sức trong quá trình giao thương", ông Kirk nói.
Đánh giá về hiện trạng kinh tế Việt Nam, Đại diện thương mại Mỹ cho rằng tương tự nhiều nền kinh tế khác (trong đó có cả Mỹ), Việt Nam đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn, bất ổn. Tuy nhiên, với tầm nhìn dài hạn, Mỹ tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khu vực kinh tế ASEAN, nơi mà Mỹ muốn đóng vai trò lớn hơn trong vòng 20 - 25 năm tới. "Do đó, tôi muốn nhấn mạnh là các khoản đầu tư của Mỹ vào Việt Nam đều mang tầm dài hạn", đại diện này khẳng định.
Tuy nhiên, Đại diện thương mại Mỹ cũng cho rằng "tin thôi thì chưa đủ", Việt Nam cần tiếp tục quá trình cách cách hơn nữa những vấn đề như thủ tục hành chính, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng nhà nước pháp quyền... Ông Ron Kirk cũng khẳng định Mỹ luôn sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình này.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership - TPP) là một sáng kiến nâng cao thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, tạo việc làm giữa các thành viên trong thế kỷ XXI. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu TPP được ký kết, nó sẽ bao trùm một thị trường lớn hơn EU khoảng 40%. Hiện tham gia đàm phán TPP có 9 nước, trong đó Brunei, Chile, New Zealand và Singapore là thành viên sáng lập. Mỹ, Australia, Malaysia, Peru và Việt Nam tham gia sau đó. Sắp tới Canada và Mexico cũng sẽ tham gia các vòng đàm phán này. |
Theo Nhật Minh (VNE)