Ông Nguyễn Duy Hưng: Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài sản số khu vực

(PLO)- Chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn SSI cho rằng tài sản số không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong 2 ngày 3 và 4-12-2024, Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024 – VTIS2024) diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với 4 chủ đề chính: AI, Fintech, Blockchain và Game.

VTIS 2024 chia sẻ về các xu hướng, sức mạnh và tiềm năng công nghệ tương lai, các xu thế phát triển của tài sản số trên thế giới.

Ông Nguyễn Duy Hưng: Việt Nam có thể trở thành trung tâm tài sản số khu vực
Ông Nguyễn Duy Hưng – chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nói về các xu thế của tài sản số trên toàn cầu - Ảnh: NGỌC DIỆP

Tới tham dự khai mạc chương trình có ông Nguyễn Khánh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội; ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng…

Thiếu khung pháp lý cho lĩnh vực tài sản số

Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI)- nhấn mạnh đến sự phát triển vượt bậc của công nghệ trên toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực tài sản số – bao gồm blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản, và các ứng dụng phi tập trung (DeFi).

Theo ông Hưng, tài sản số không còn là khái niệm xa lạ mà đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống tài chính toàn cầu. Những quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này không chỉ thúc đẩy đổi mới sáng tạo mà còn xây dựng được vị thế chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn SSI nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy do thiếu một khung pháp lý rõ ràng, lĩnh vực này vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Thứ nhất, rủi ro cho người tham gia do thiếu quy định dẫn đến việc không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo hoặc thiếu minh bạch.

Thứ hai, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan.

Thứ ba, cơ hội đang dần mất đi, những nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng chọn quốc gia khác có môi trường pháp lý thuận lợi hơn.

Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Duy Hưng kiến nghị lên Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường. Cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, tài trợ nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Ông Hưng cũng đề nghị xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt để vừa bảo vệ người dùng, vừa không làm mất đi tính sáng tạo – điều cốt lõi của tài sản số; đồng thời hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài sản số, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để xây dựng một khung pháp lý hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Chủ tịch FPT nói về yếu tố then chốt để chiến thắng trong thời kỳ mới

Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Trương Gia Bình cho rằng đã đến lúc phải nhìn vào thực tế với tư cách của một người lao động, 75% những công việc con người đang làm sẽ biến mất vào năm 2030. Còn từ góc độ của một doanh nghiệp, cần tính làm sao để kinh doanh, sống sót qua những cơn bão địa chính trị hiện tại.

Trong bối cảnh này, ông Trương Gia Bình dành niềm tin vào lực lượng lao động công nghệ Việt Nam: “Việt Nam đã có một vị thế và đang tỏa sáng trên bản đồ công nghệ thế giới. Trên thế giới chỉ có hai đất nước có công ty xuất khẩu phần mềm tỷ USD ra thế giới. Việt Nam có lực lượng lao động ngành công nghệ mà nhiều quốc gia mơ cũng không có"- ông Bình nói và dẫn lại lời CEO của Nvidia, ông Jensen Huang: “Nvidia chọn Việt Nam là ngôi nhà thứ 2 của mình vào thời điểm này.

Ông Bình nhấn mạnh ngày nay trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), Nvidia đã chọn Việt Nam như ngôi nhà thứ 2 của họ và sẽ còn nhiều tập đoàn công nghệ khác chọn Việt Nam làm như vậy.

Nói về yếu tố quan trọng nhất để mỗi quốc gia cạnh tranh trong thời kỳ tới, ngoài vốn, ngoài trình độ hay nguồn nhân lực ngành công nghệ, ông Bình khẳng định: “ Nếu được chọn một từ thôi, tôi sẽ chọn dữ liệu (data). AI, blockchain, fintech, edutech… tất cả đều xung quanh dữ liệu. Dữ liệu không phải là vấn đề với riêng Việt Nam mà là toàn thế giới. Dữ liệu đã trở thành nhiên liệu quan trọng nhất cho mọi nền kinh tế trên thế giới”.

Một số gian hàng của các công ty tài chính, công nghệ, công nghệ tài chính tại sự kiện:

0312C.jpg
Tìm hiểu về các sản phẩm tài chính hiện giờ không chỉ của những người trẻ mà cả những người lớn tuổi - Ảnh: NGỌC DIỆP
0312D.jpg
Nhiều người trẻ cũng quan tâm đến các xu thế công nghệ mới - Ảnh: HUYỀN TRANG
0312E.jpg
Khu vực triển lãm thu hút rất đông người tham gia - Ảnh: MINH TRÚC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm