Ngày 3 và 4-12-2024, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia diễn ra Hội nghị Tác động Công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024 – VTIS2024). Với 4 chủ đề chính gồm AI, Fintech, Blockchain và Game, VTIS 2024 chia sẻ về các xu hướng, sức mạnh và tiềm năng công nghệ tương lai, các xu thế phát triển của tài sản số trên thế giới.
Chia sẻ tại sự kiện, từ góc độ của người đứng đầu một quỹ đầu tư ngoại có nhiều thập kỷ hoạt động tại Việt Nam, ông Don Lam- Chủ tịch VinaCapital, nhận định, nền tảng blockchain nói riêng là một thị trường rất lớn mà Việt Nam không nên bỏ qua. Trong 5 năm qua, vốn hóa thị trường tiền điện tử đã đạt 66% tốc độ tăng trưởng hằng năm với 191 tỉ USD năm 2019 lên 2.400 tỉ USD năm 2024. Và Việt Nam đứng thứ 5 toàn cầu, đứng đầu Đông Nam Á về áp dụng tiền điện tử.
“Để xây dựng chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển Blockchain, Việt Nam cần xây dựng khuôn khổ pháp lý cho ứng dụng và phát triển blockchain. Đồng thời cũng cần thiết lập cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái cho ngành này. Không chỉ vậy, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực lành nghề trong lĩnh vực; thúc đẩy việc áp dụng blockchain trong nhiều lĩnh vực khác; khuyến khích nghiên cứu, đổi mới và hợp tác quốc tế”, ông Don Lam phân tích.
Cũng theo ông Don Lam, các trung tâm dữ liệu sẽ mang đến nhiều cơ hội cho Việt Nam, bên cạnh đó Việt Nam cũng có nhiều lợi thế để phát triển các trung tâm dữ liệu như chi phí vận hành thấp, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt Việt Nam có nguồn điện tái tạo.
Hiện nay Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh ngành chip bán dẫn. Về lợi thế, Việt Nam có nguyên vật liệu bởi Việt Nam sở hữu 19% trữ lượng đất hiếm toàn cầu. Ngoài ra, tại Việt Nam cũng có nhiều công ty, doanh nghiệp thiết kế và lập trình phần mềm như Qualcomm, FPT, Viettel… việc này sẽ thu hút các công ty bán dẫn toàn cầu đến và thành lập các hoạt động R&D và thiết kế tại Việt Nam, chủ tịch VinaCapital nhấn mạnh.
Còn bà Gracy Chen, CEO tại Bitget và BitEXC, thông tin rằng theo nghiên cứu của Chainalysis, thị trường tiền điện tử Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 10% từ năm 2024 đến năm 2032, đạt quy mô thị trường đáng kể vào cuối giai đoạn dự báo.
Cũng theo đó, doanh thu từ phân khúc tiền điện tử của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1 tỉ USD vào năm 2024, với doanh thu trung bình ước tính trên mỗi người dùng là 64,4 USD.
Trong khi đó, thị trường blockchain của Việt Nam được định giá 350 triệu USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng trưởng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 17,4% cho đến năm 2029, cho thấy mức độ chấp nhận và tích hợp công nghệ blockchain cao hơn.
"Việt Nam đã cho thấy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực tài sản số, nhưng thị trường vẫn đang thiếu các nền tảng thực sự hiểu và đáp ứng được nhu cầu đặc thù của người dùng Việt Nam”, bà Gracy Chen nói.
Dù tài sản số có nhiều yếu tố hấp dẫn vậy thế nhưng việc bảo vệ tài sản cho người dùng cũng vô cùng cần thiết. Theo quan điểm của bà Chen, có 4 rủi ro mà người đầu tư vào tài sản số cần phải quan tâm bao gồm:
Người dùng cần phải cẩn trọng với rủi ro giá cả của các tài sản số biến động rất mạnh.
Rủi ro bị lừa cũng cần phải cân nhắc. Trên thị trường hiện tại có rất nhiều loại tài sản số khác nhau. Nhưng loại tài sản số đó không hợp pháp hoặc thậm chí “lùa gà”.
Rủi ro về lưu trữ tài sản cũng cần phải quan tâm. Khi đã nắm giữ tài sản người chơi sẽ đặt tại ví hoặc các sàn giao dịch. Gần đây có trường hợp rất nổi tiếng là có sàn giao dịch cầm vốn của người dùng đi đầu tư nhưng thua lỗ mất vốn và không có đủ tài sản để duy trì việc trả tiền cho người dùng.
Ngoài ra, người dùng cũng cần chú ý về rủi ro liên quan đến “tin tặc”. Người dùng thường để tài sản trên ví hoặc trên sàn, tuy nhiên không tránh khỏi rủi ro tin tặc sẽ tấn công đánh cắp tài sản của người dùng. Đã có những sàn giao dịch bị tấn công tin tặc, nhưng sàn đó lại không có quỹ bảo vệ người dùng. Chính vì vậy người dùng cần quan tâm đến sàn nào có quỹ bảo vệ cho người dùng cho những quyết định đầu tư của mình.