Ngày 2-1, Tòa án Iran cảnh cáo hơn 450 người bị bắt (90% dưới 25 tuổi) sẽ sớm bị đưa ra xét xử và rất nhiều trong số đó có thể sẽ phải lãnh án tử. Ít nhất 21 người đã thiệt mạng, trong đó có một người là thành viên lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, theo Bộ Nội vụ Iran.
Ngày 2-1, trong tuyên bố mang tính hòa giải, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng người biểu tình có quyền được lắng nghe theo đúng hiến pháp. Sau Tổng thống Rouhani đến lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cáo buộc các kẻ thù bên ngoài của Iran đã kích động biểu tình. Ông Khamenei không nêu tên cụ thể nước nào, tuy nhiên thư ký Hội đồng An ninh Nhà nước Tối cao Iran trước đó cáo buộc ba nước là Mỹ, Anh, Saudi Arabia.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley tuyên bố sẽ kêu gọi LHQ họp khẩn về tình hình biểu tình Iran. Ảnh: AFP
Nga, nước sát cánh cùng Iran tại Syria bảo vệ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad, nói rằng không thể chấp nhận chuyện nước ngoài can thiệp gây bất ổn tình hình Iran. Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ và ủng hộ phe nổi dậy Syria, kêu gọi các bên ở Iran kiềm chế.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2-1 bác bỏ cáo buộc rằng biểu tình Iran do nước ngoài kích động. Với Tổng thống Mỹ Donald Trump, cuộc biểu tình là hệ quả từ các chính sách của Iran ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2-1 tiếp tục thể hiện sự ủng hộ với người biểu tình Iran, kêu gọi Iran kiềm chế bạo lực với người biểu tình. Mỹ cũng đề nghị Iran bỏ phong tỏa các mạng xã hội, khôi phục đường truyền Internet và viễn thông.
Trong cuộc họp báo nói về các ưu tiên 2018 của mình, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cho biết sẽ kêu gọi Liên Hiệp Quốc họp khẩn về Iran. Trang USA Today dẫn thông tin từ trợ lý Kellyanne Conway của Tổng thống Trump cho biết ông Trump đang cân nhắc hủy lệnh đình hoãn trừng phạt theo điều khoản thỏa thuận hạt nhân, khôi phục trừng phạt Iran. Quyết định sẽ có trong khoảng 10 ngày tới.