Ngày 22-6, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump sẽ ký lệnh hành pháp gia hạn lệnh cấm cấp thẻ xanh và cấm hầu hết các loại lao động nước ngoài cho đến cuối năm nay, báo South China Morning Post đưa tin.
Lệnh mới tạm thời đóng băng visa H-1B dành cho các lao động có tay nghề cao (phổ biến với ngành công nghệ Mỹ), visa H-2B dành cho lao động thời vụ trong lĩnh vực phi nông nghiệp , L-1 dành cho quản lý và nhân sự then chốt trong các tập đoàn đa quốc gia và visa J-1 dành cho các nhà nghiên cứu, học giả và các chuyên ngành khác như trao đổi văn hóa.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ký lệnh hành pháp gia hạn lệnh cấm cấp thẻ xanh và cấm hầu hết các loại lao động nước ngoài cho đến cuối năm nay. Ảnh: AP
Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng việc hạn chế nhập cư lúc này là rất cần thiết để đảm bảo việc làm cho người dân Mỹ trong thời kỳ thất nghiệp lịch sử. Tình trạng này xảy ra kể từ khi chính quyền bang ra lệnh phong tỏa, buộc nhiều doanh nghiệp tạm đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 từ hồi giữa tháng 2 đến nay.
Trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News cuối tuần trước, Tổng thống Trump đã hứa hẹn về việc ban hành lệnh mới khi lệnh ban đầu hết hạn vào ngày 22-6.
Một quan chức cấp cao cho biết lệnh cấm này ước tính sẽ tạo ra 525.000 việc làm cho người Mỹ kể từ đây đến hết năm. Quan chức kể trên cũng lưu ý rằng ông Trump đã tập trung vào việc giúp người Mỹ làm việc trở lại nhanh nhất có thể để nhanh chóng khôi phục lại nền kinh tế.
Mặc dù vậy, nhân viên y tế hiện đang làm việc trong các lĩnh vực chăm sóc bệnh nhân COVID-19 hoặc đang làm các công việc nghiên cứu virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục được miễn trừ lệnh đóng băng thẻ xanh, dù quyền miễn trừ bị thu hẹp hơn, theo quan chức cấp cao kể trên.
Ngoài ra, lao động trong ngành chế biến thực phẩm cũng được miễn trừ trước lệnh này. Lực lượng lao động này chiếm khoảng 15% những người được cấp visa H-2B.
Tổng thống Trump từng bị đánh giá thấp vì phản ứng quá chậm trước đại dịch COVID-19 dẫn đến tình hình dịch bệnh ở nước này càng ngày càng tồi tệ. Mặc dù vậy, nỗ lực vực dậy nền kinh tế sau đại dịch của ông được đánh giá cao hơn ứng viên đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
Amazon, Google phản đối
Lệnh đóng băng thẻ xanh được Tổng thống Trump đưa ra hồi tháng 4 và hết hạn vào ngày 22-6, chủ yếu nhằm vào thành viên các gia đình người được cấp visa lao động.
Lệnh cấm này đã vấp phải phản ứng từ những người có chủ trương cứng rắn với lao động nhập cư. Họ cho rằng sắc lệnh của Tổng thống Trump chưa đủ. Vì vậy, việc tổng thống nhắm vào visa không nhập cư trong lệnh mới này có thể là để xoa dịu những người này.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã phản đối mạnh mẽ các hạn chế mới của Tổng thống Trump, cho rằng điều này sẽ gây ra hệ lụy xấu nhiều hơn là vực lại nền kinh tế trì trệ, theo báo Business Insider.
CEO Google Sundar Pichai (trái) và CEO Amazon Jeff Bezos. Ảnh: AP
BSA, một nhóm đại diện cho các công ty phần mềm lớn ở Mỹ đã kêu gọi chính quyền xem xét lại các thay đổi của mình, đặc biệt là chương trình visa H-1B. Họ nói rằng điều này sẽ khiến các công ty khó khăn hơn trong việc lấp đầy các vị trí quan trọng.
Họ cũng cho biết nguồn nhân lực nhập cư này phong phú hơn nhiều so với lượng nhân viên Mỹ. Chưa kể, việc sở hữu nguồn nhân lực từ các nước khác giúp duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ, từ đó thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người Mỹ.
Các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Twitter và Google cũng đã lên tiếng phản đối lệnh hạn chế nhập cư mới, nói rằng động thái này là "chính sách tồi tệ không thể tin được".
"Việc ngăn chặn các chuyên gia có tay nghề cao vào Mỹ nhằm đóng góp cho sự phục hồi kinh tế của Mỹ đã khiến khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ gặp rủi ro" - phát ngôn viên của Amazon nói với Business Insider.
Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai là một người nhập cư. Hôm 22-6, ông này đã đăng trên Twitter phản đối lệnh mới của Tổng thống Trump.
"Nhập cư đã đóng góp vô cùng lớn cho thành công của nền kinh tế Mỹ, khiến Mỹ dẫn đầu thế giới về công nghệ và những người nhập cư cũng đóng góp cho sự thành công của Google ngày nay." - ông Sundar Pichai nói.
Visa H-1B được giới hạn ở mức 85.000 trường hợp mỗi năm cho những người có kiến thức chuyên môn cao, và tối thiểu có bằng cử nhân, thường là về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, giảng dạy và kế toán. Các nhà phê bình cho rằng các công ty công nghệ cao đã sử dụng visa như một công cụ để thuê ngoài việc làm cho người nước ngoài, thay thế cho người Mỹ.