Ngày 2-4, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, Văn phòng bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO), Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Bộ An Ninh Nội địa Hoa Kỳ, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM… tổ chức Hội thảo Khu vực châu Á về Phòng chống Buôn bán Thực phẩm, thức uống, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng nhanh giả mạo.
Ông Peter Folwer, Cố vấn cấp cao cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ cho biết, trà, cà phê, nước mắm... giả mạo hàng Việt Nam là ba sản phẩm mà cơ quan chức năng Mỹ từng gặp. Phần lớn những mặt hàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập vào Việt Nam, đóng bao bì nhãn mác tại Việt Nam, ghi sản xuất từ Việt Nam rồi xuất khẩu sang thị trường Mỹ chứ không phải là hàng của Việt Nam.
Cách làm này làm ảnh hưởng tai hại vô cùng đến uy tín của hàng Việt Nam, vì thật sự nó là hàng Trung Quốc, được đóng gói nhãn mác từ Việt Nam, thông qua Việt Nam.
Theo thông lệ, những hàng hóa của các thương hiệu lớn, những hàng hóa được biết đến rộng rãi thì nguy cơ bị làm giả nhái nhiều. Do đó, những sản phẩm nông nghiệp trong thị trường châu Á như tiêu Campuchia, gạo jasmine, gạo nàng hương Thái Lan, trà Việt Nam… thường hay bị mạo danh nguồn gốc xuất xứ khi đối tượng làm giả copy nhãn mác, thay đổi nguồn gốc rồi xuất khẩu sang Mỹ cũng như các nước.
Theo ông Peter Fowler, khi phát hiện ra hàng giả, hàng nhái và cơ quan chức năng của Mỹ tuyên bố là hàng giả thì hàng hóa đó sẽ bị tiêu hủy ngay. Hễ là hàng giả nguy cơ gây ảnh hướng đến sức khỏe người tiêu dùng là sẽ phải hủy.
Đồng thời, cơ quan chức năng Mỹ sẽ thông báo cho chủ thể hợp pháp để họ có biện pháp như xác minh lại sản phẩm đó. Khi chủ thể được thông báo, họ có thể sử dụng thông tin đó để có những biện pháp phù hợp như truy nguồn gốc, kiểm chứng sản phẩm, tìm ra xuất xứ ở đâu họ tự điều tra lấy để tự bảo vệ mình.
Ông Peter Fowler, Cố vấn cấp cao cơ quan Sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ trả lời báo chí tại hội thảo ngày 2-4.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, nhiều lo ngại hàng Trung Quốc sẽ tràn ngập vào Việt Nam, đó là cơ hội để hàng Trung Quốc tiếp tục đội lốt hàng Việt để vào Mỹ?
Trả lời câu hỏi này, ông Peter Fowler nói hàng giả hàng nhái thường xuyên diễn ra, nó luôn luôn có và phải cảnh giác. Vì những đối tượng làm hàng giả ở Trung Quốc họ biết rằng hàng hóa một khi có xuất xứ từ Trung Quốc thì cơ quan chức năng của Mỹ như hải quan, biên phòng... khám xét, kiểm tra rất kỹ. Do vậy, những người làm hàng giả này luôn chuyển hàng hóa đi vòng vèo khắp thế giới trước khi nhập vào Mỹ.
Khuynh hướng hàng giả vẫn có trong những lô hàng lô lớn, số lượng lớn đi bằng đường tàu biển hay hàng không. Nhưng ngày nay phát sinh hình thức mua bán hàng giả qua đường bưu điện, phát chuyển nhanh với những kiện hàng nhỏ, lẻ… Các cơ quan chức năng gặp nhiều thử thách, khó khăn trong kiểm tra kiểm soát lô hàng với quy mô nhỏ như vậy.
“Theo thống kê của cơ quan chức năng Mỹ, tỉ lệ hàng giả mạo Việt Nam nhỏ chưa tới 1%, tỷ lệ lớn nhất là từ Trung Quốc chiếm 80%, kế đến là Ấn Độ và vài quốc gia khác. Tôi có thể nói Việt Nam không phải là điểm tập trung, chú trọng nguy cơ nguồn gốc hàng giả đi vào thị trường Mỹ. Đó là danh tiếng, nên quan tâm bảo vệ để thế giới biết đến Việt Nam là nơi không phải là nguy cơ của hàng giả”, ông Peter Folwer nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam Trần Văn Tùng cho biết, đây là hội thảo thường niên và hết sức có ý nghĩa đối với Việt Nam. Tại hội thảo Việt Nam sẽ nhận được các thông điệp từ các quốc gia trên thế giới thông báo hiện nay hàng giả trong lĩnh vực đồ uống, hàng tiêu dùng nhanh…đang diễn ra thế nào; những thủ đoạn, cách thức làm hàng giả, ảnh hưởng thế nào với thị trường Việt Nam.
Thứ trưởng Tùng nhìn nhận, vì hàng giả không chỉ xảy ra ở Việt Nam, hàng giả được đưa từ các nước trên thế giới vào Việt Nam. Việt Nam phải phối hợp với các nước, từ đó có biện pháp ngăn chặn vào thị trường Việt Nam.
Hiện nay Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam cơ bản đồng nhất theo các quy định của thế giới về bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, sẽ đẩy mạnh tăng cường thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp cũng như các nhãn hiệu, đối tượng sở hữu trí tuệ…