“Vào thị trường Việt Nam từ năm 2005, với 70% thị phần, cung cấp bugi cho các nhà sản xuất lắp ráp xe Honda, Yamaha, Suzuki… tại Việt Nam. Bugi NGK là sản phẩm công nghệ cao mà vẫn bị làm giả, nhái. Tại thị trường Việt Nam khi khảo sát phát hiện 20% bugi giả NGK, như vậy cứ 10 con bugi ngoài thị trường có hai con bugi NGK giả”.
Đây là thông tin được ông Trần Thanh Kha, Trưởng phòng cấp cao Công ty TNHH NGK Việt Nam, cho biết tại diễn đàn Chống hàng giả bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ công nghệ 4.0 do Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ TP.HCM phối hợp Cổng truyền thông chống hàng giả Việt Nam Vina CHG tổ chức ngày 27-11.
Theo ông Kha, vấn nạn hàng giả là thách thức đối với công ty có vốn đầu tư nước ngoài, những DN có thương hiệu toàn cầu. Hàng giả được nhập trực tiếp từ Trung Quốc rồi phân phối khắp tỉnh, thành. Ở Việt Nam vẫn có một số cơ sở sản xuất hàng nhái mang thương hiệu NGK.
Trước đây hàng giả chỉ có loại một, nay có thêm loại hai, loại ba cho thấy công nghệ làm hàng giả ngày càng cao. Ngay cả chuyên gia công ty mua những mẫu ngoài thị trường về phải kiểm tra kỹ mới xác định được.
Theo ông Thân Đức Công, phụ trách Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết công tác chống hàng giả, đặc biệt trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 này rất phức tạp. Các đối tượng làm công khai, thậm chí làm ban đêm, đóng cửa làm trong nhà. Cơ quan nhà nước để tiếp cận thì không dễ dàng.
Từ năm 2017 đến 9-2018, quản lý thị trường cả nước phát hiện trên 30.000 vụ vi phạm.
Ông chủ Nón Sơn hướng dẫn cách phân biệt hàng giả, hàng thật
Chia sẻ về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, cho biết ở góc độ quản lý nhà nước, Cục đã nhận diện được hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, hiện nay có nhiều DN bị giả về nhãn hiệu như Adidas, giả sản phẩm giá trị cao như đồng hồ Rolex. Hàng thật có khi giá hơn 100 triệu nhưng có những website bán đồng hồ Rolex chỉ vài triệu đồng.
Bên cạnh đó là hành vi giả về thông tin. Ví dụ mì chính thật nguồn gốc xuất xứ, có thành phần mô tả rất rõ ràng nhưng trên một số website hàng nhái không có đầy đủ thông tin cụ thể, giá cả lại rẻ… Năm 2017, cơ quan quản lý thanh kiểm tra phát hiện 300 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 300 tỉ đồng.
Trong khi đó, ông Trần Giang Khuê, Phó Trưởng văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP.HCM, cho rằng thách thức của cơ quan quản lý là quyền sở hữu trí tuệ nằm trong phạm vi quốc gia nhưng Internet vượt qua khỏi phạm vi quốc gia. Internet làm cho hành vi con người thay đổi, kết nối mua bán cực kỳ nhanh chóng. Hôm nay thấy treo biển hiệu bán hàng này, mai kiểm tra thì họ đã gỡ mất rồi.
“Mặc dù luật đã có quy định thế nào là hành vi vi phạm trên môi trường Internet… nhưng hiện nay còn khó khăn, chưa xử lý được. Cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan ban ngành; tăng cường thực thi mạnh tay để có môi trường kinh doanh lành mạnh chứ không là không được”, ông Khuê nói.
Theo thống kê của tổ chức We are Social tính đến tháng 1-2018 Việt Nam có 64 triệu người sử dụng Internet, cho thấy tỉ lệ sử dụng Internet ở Việt Nam rất cao. Nhiều cửa hàng trực tuyến, website thương mại điện tử ra đời từ nhiều nền tảng mạng xã hội đã trở thành nơi mua bán giao dịch kinh doanh online của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Vì vậy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái trên mạng cũng là vấn đề gây nhức nhối. |