Mỹ ra báo cáo chỉ trích TQ về tôn giáo, Tân Cương, Tây Tạng

Ngày 12-5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố báo cáo thường niên về tình trạng tự do tôn giáo trên khắp thế giới. Theo đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã cáo buộc Bắc Kinh đàn áp tín đồ tôn giáo, cũng như chỉ trích các vấn đề liên quan Tân Cương và Tây Tạng, tờ South China Morning Post đưa tin. 

Báo cáo về Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020 của Mỹ đã xem xét tình trạng hoạt động tôn giáo ở khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm cả Trung Quốc. Trong báo cáo, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đề cập đến các hành vi vi phạm quyền con người của chính quyền Bắc Kinh, bao gồm tra tấn, lạm dụng thân thể và giam giữ các tín đồ tôn giáo.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét tất cả các công cụ thích hợp để thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những người chịu trách nhiệm về các vi phạm và lạm dụng quyền con người ở Trung Quốc” - ông Blinken cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: AFP

Theo SCMP, Trung Quốc có hơn 200 triệu tín đồ tôn giáo và khoảng 5.500 nhóm tôn giáo khác nhau.

Mỹ ước tính rằng, tại Trung Quốc, số lượng Phật tử chiếm khoảng 18,2%, người theo Thiên chúa giáo chiếm 5,1%, người Hồi giáo chiếm 1,8%, tín đồ của các tôn giáo dân gian chiếm 21,9% và người vô thần chiếm khoảng 52,2% dân số. Người theo Hindu giáo, Đạo giáo và Do Thái giáo chỉ chiếm ít hơn một phần trăm dân số.

Theo SCMP, Trung Quốc chỉ công nhận năm tôn giáo chính thức là Phật giáo, Đạo giáo, Hồi giáo, Tin lành và Công giáo. Về lý thuyết, để tổ chức các buổi thờ phượng, các nhóm tôn giáo buộc phải đăng ký và phải thuộc một trong năm nhóm tôn giáo được nhà nước công nhận.

Trước đó, Washington đã chỉ định Trung Quốc là “quốc gia đáng quan tâm đặc biệt” - một thuật ngữ để bày tỏ mối quan ngại về việc nước này có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo. Danh sách này còn bao gồm các quốc gia khác như Iran, Myanmar, Nga, Nigeria và Saudi Arabia, theo SCMP.

Ông Daniel Nadel - Giám đốc Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ - nói rằng có thể gọi những quốc gia này là “thành viên thường trực của câu lạc bộ các quốc gia đáng quan tâm đặc biệt”.

Ông Blinken cũng chỉ trích Trung Quốc liên quan đến các vấn đề Tân Cương, Tây Tạng. Ông Blinken cáo buộc “Trung Quốc đã phạm tội chống lại loài người và diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác”.

Theo báo cáo, ở Tân Cương, người Duy Ngô Nhĩ phải chịu tra tấn, lạm dụng thể chất và tâm lý, hãm hiếp, lạm dụng tình dục và cưỡng bức lao động.

Đặc phái viên của về khí hậu Mỹ John Kerry nói rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét liệu có nên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm được sản xuất ở Tân Cương hay không. Chính quyền ông Biden cho rằng Trung Quốc đã cưỡng bức sức lao động của người Duy Ngô Nhĩ để sản xuất chúng.

Trong khi đó, teo báo cáo của Mỹ, tại khu vực Tây Tạng vẫn còn tồn tại "những vụ mất tích, cưỡng bức, bắt giữ, tra tấn, lạm dụng thể chất và giam giữ người dân kéo dài mà không xét xử do họ tham gia các hoạt động thực hành tôn giáo".

Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ không trả lời yêu cầu bình luận về báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh thường xuyên lên án Mỹ vì những gì họ cho là “can thiệp, đạo đức giả và cố gắng áp đặt các tiêu chuẩn quyền con người của mình lên phần còn lại của thế giới”.

Vào tháng 3, Bắc Kinh đã công bố một báo cáo dài 18 trang phân tích hồ sơ về quyền con người của Mỹ. Trong báo cáo, Trung Quốc đã trích dẫn tình trạng phân biệt chủng tộc, bạo lực súng đạn và phản ứng của Mỹ đối với đại dịch. Theo Bắc Kinh, chính quyền Washington “luôn coi mình là ngoại lệ và vượt trội” và “tự coi mình ngọn hải đăng của nền dân chủ”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới