Theo hãng tin AFP, Mỹ ngày 31-10 cho biết “rất lo ngại" về các báo cáo rằng lực lượng an ninh Myanmar đã có hành động bạo lực và phá hủy hơn 100 ngôi nhà cũng như các nhà thờ ở phía tây bang Chin.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 31-10 cho biết Washington cũng bày tỏ lo ngại về sự "tăng cường hoạt động quân sự" của chính quyền quân sự Myanmar trên khắp quốc gia Đông Nam Á này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price. Ảnh: AP
Theo ông Price, “những cuộc tấn công tồi tệ này" nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết là cộng đồng quốc tế phải hành động, đảm bảo điều này không xảy ra, trong đó có thể tính đến việc "ngăn chặn hoạt động chuyển giao vũ khí cho quân đội”.
Theo AFP, diễn biến trên đến trong bối cảnh "lực lượng phòng vệ nhân dân" (PDF) – nhóm vũ trang do người biểu tình thành lập – hiện đang hình thành trên khắp Myanmar nhằm phản đối chính quyền quân sự, kéo theo sự gia tăng các cuộc tấn công và trả đũa.
Trước đó, các phương tiện truyền thông địa phương hôm 29-10 đưa tin quân đội Myanmar đã nã pháo vào thị trấn Thantlang tại bang Chin.
Một đám cháy sau đó đã bùng lên tại thị trấn, phá hủy hàng chục ngôi nhà và công trình kiến trúc - gồm cả văn phòng Save the Children, tổ chức từ thiện (có trụ sở tại London) này xác nhận.
“Sự tàn phá do bạo lực gây ra là điều hoàn toàn vô nghĩa. Điều đó không chỉ làm hư hại một trong các văn phòng của chúng tôi mà còn có nguy cơ phá hủy toàn bộ thị trấn và nhà cửa của hàng nghìn gia đình và trẻ em” – tổ chức này cho biết.
Hầu hết cư dân tại Thantlang đã tháo chạy khỏi thị trấn trong các cuộc đụng độ vào tháng trước, trong đó có nhiều người đã vượt biên sang Ấn Độ.
Bộ phận phụ trách truyền thông của quân đội Myanmar hôm 30-10 xác nhận rằng hai nhà thờ và 70 ngôi nhà đã bị thiêu rụi trong thị trấn.
Tuy nhiên, bộ phận này đã cáo buộc "lực lượng phòng vệ nhân dân" địa phương đã gây ra vụ cháy, sau khi lực lượng an ninh đụng độ với các thành viên PDF.
Phát ngôn viên chính quyền quân sự Zaw Min Tun nói với truyền thông địa phương rằng vai trò của quân đội trong vụ việc tại thị trấn Thantlang là "những cáo buộc vô căn cứ".
Tuần trước, Liên Hợp Quốc đã bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ xảy ra một thảm họa bạo lực rộng lớn hơn trong bối cảnh có báo cáo về việc hàng nghìn binh sĩ quân đội hiện tập trung ở khu vực phía bắc và phía tây Myanmar.
Hồi tháng 5, chính quyền quân sự đã sử dụng pháo binh để đối phó các nhóm vũ trang phản đối chính quyền tại thị trấn Mindat ở phía nam bang Chin.
Myanmar rơi vào bất ổn kể từ cuộc chính biến ngày 1-2, với hơn 1.200 người phản đối chính biến đã thiệt mạng, theo số liệu từ một tổ chức theo dõi tình hình Myanmar tuy nhiên chính quyền quân sự không xác nhận con số này.
Một loạt lãnh đạo dân sự Myanmar, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, đã bị bắt giữ và đối mặt các tội danh tham nhũng.
Người dân Myanmar đã phản đối hành động của quân đội và xuống đường biểu tình dẫn tới các vụ bắt giữ.