"9 sĩ quan ở các vị trí chỉ huy tại Malmstrom đã bị đề nghị sa thải", Bộ trưởng Không quân Deborah James cho biết tại một cuộc họp báo.
Bộ trưởng Không quân Deborah Lee James (phải) và trung tướng Stephen Wilson tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngày 27/3. (Ảnh: Getty)
Theo kết luận của một cuộc điều tra nội bộ, các tư lệnh nói trên không trực tiếp dính đến gian lận thi cử song đã "không giám sát đầy đủ đối với quân của mình", bà James nói và cho biết thêm, sĩ quan thứ 10 đã đệ đơn từ chức vì vụ việc.
Một vị tướng cấp cao phụ trách giám sát các lực lượng hạt nhân tiết lộ, gian lận thi cử một phần là do bầu không khí căng thẳng xuất phát từ việc các tư lệnh quá chú trọng đến điểm thi hoàn hảo của sĩ quan phóng tên lửa.
"Mặc dù điểm thi chỉ yêu cầu đạt 90%, các thành viên đều cảm thấy áp lực phải đạt 100% trên mỗi và tất cả các bài thi", trung tướng Stephen Wilson cho biết tại cùng cuộc họp báo. "Họ cảm thấy buộc phải gian lận để đạt điểm tuyệt đối".
Phương pháp "không khuyết điểm" này là phi hiện thực và không cần thiết, theo ông Wilson. "Các chỉ huy đã không nhìn thấy thực tế rằng thực hành trên thực địa còn quan trọng hơn những gì xảy ra trong phòng học", vị trung tướng nhấn mạnh thêm.
Vụ gian lận thi cử này bị phanh phui lần đầu hồi tháng 1 trong một cuộc điều tra không liên quan nhằm vào ma túy. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã bày tỏ sự thất vọng sâu sắc về vụ việc và quan ngại về cách quản lý vô nguyên tắc trong các lực lượng vũ trang, sau khi quân đội Mỹ hứng chịu một loạt bê bối.
Trong tuần, ông Hagel đã chỉ định một sĩ quan hải quân cấp cao, Thiếu tướng Hải quân Margaret Klein, làm cố vấn đặc biệt chuyên trách các vấn đề đạo đức và "tính cách".
Theo Thanh Hảo (VNN)