Vào ngày 12-6, Tổ chức Văn hóa-Khoa học-Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) thông báo Mỹ đang có kế hoạch gia nhập tổ chức này trở lại vào tháng 7 tới, chấm dứt tranh cãi nhiều năm khiến Washington quyết định rút khỏi vào cuối năm 2018, theo hãng tin AP.
|
Mỹ đã chính thức nộp đơn xin tái gia nhập UNESCO. Ảnh: Christophe Ena/AP |
Kế hoạch tái gia nhập
Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách vấn đề quản lý và tài nguyên Mỹ Richard Verma đã nộp đơn tái gia nhập lên Tổng giám đốc UNESCO - bà Audrey Azoulay. Ông Verma lưu ý sự tiến bộ trong việc phi chính trị hóa cuộc tranh luận về Trung Đông tại UNESCO và những cải cách về quản lý của tổ chức.
Bà Azoulay cho biết việc Washington tái gia nhập UNESCO “là thời khắc lịch sử” của tổ chức và “là ngày ý nghĩa đối với chủ nghĩa đa phương". Kể từ khi được bầu làm Tổng giám đốc UNESCO, bà Azoulay đã nỗ lực giải quyết những lý do khiến Mỹ rút khỏi tổ chức vào năm 2018.
Đơn xin gia nhập của Mỹ sẽ được quyết định trong một cuộc bỏ phiếu giữa các quốc gia thành viên của UNESCO trong những tuần tới. Tuy nhiên hãng AP cho hay cuộc bỏ phiếu dường như là chỉ một hình thức vì không một nước nào phản đối sự quay lại của một quốc gia từng đóng góp tài chính lớn nhất cho tổ chức.
Theo kế hoạch, sau khi tái gia nhập, Mỹ sẽ phải trả các khoản nợ tính đến năm 2023 cộng với khoản tiền 10 triệu USD đóng góp thêm trong năm nay dành cho giáo dục nạn diệt chủng người Do Thái, bảo tồn di sản văn hóa ở Ukraine, nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho nhà báo và giáo dục khoa học và công nghệ ở Châu Phi.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị khoản tiền 150 triệu USD trong ngân sách năm 2024 để thanh toán cho các khoản nợ và phí cho UNESCO và sẽ tiếp tục đề nghị khoản tiền tương tự cho các năm tiếp theo cho đến khi trả hết khoản nợ 619 triệu USD.
|
Trung Quốc được xem là động cơ thúc đẩy việc tái gia nhập UNESCO của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: GETTY IMAGES |
Động cơ khiến Mỹ quay lại UNESCO
Các quan chức Mỹ cho biết quyết định quay lại UNESCO được thúc đẩy bằng mối lo ngại ngày càng tăng rằng Trung Quốc (TQ) đang lấp đầy khoảng trống mà Mỹ đã để lại trong cơ quan hoạch định chính sách của tổ chức, đặc biệt trong việc thiết lập các tiêu chuẩn cho giáo dục công nghệ và trí tuệ nhân tạo toàn cầu.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ phụ trách quản lý John Bass vào tháng 3 nói rằng sự vắng mặt của Mỹ đã giúp tăng cường ảnh hưởng của TQ và “làm suy giảm khả năng của chúng tôi trong việc thúc đẩy một thế giới tự do".
Ông cũng cho biết UNESCO đóng vai trò then chốt trong việc thiết lập và định hình các tiêu chuẩn cho việc giảng dạy khoa học và công nghệ trên toàn thế giới, do đó ông nhấn mạnh nếu Washington “nghiêm túc cạnh tranh với TQ trong thời đại kỹ thuật số thì Mỹ không thể vắng mặt lâu hơn được nữa".
Đại sứ TQ tại UNESCO Dương Tiến hy vọng việc Mỹ tái gia nhập tổ chức đồng nghĩa Washington nghiêm túc về chủ nghĩa đa phương.
“Trở thành thành viên của một tổ chức quốc tế là một vấn đề nghiêm túc và chúng tôi hy vọng rằng sự trở lại của Mỹ lần này có nghĩa là họ thừa nhận sứ mệnh và mục tiêu của UNESCO” - ông Dương cho hay.
Mỹ là thành viên sáng lập UNESCO và từng đóng góp nguồn tài chính lớn cho tổ chức. Tuy nhiên vào năm 1983, chính phủ Tổng thống Ronald Reagan đã rút Mỹ khỏi UNESCO vì cho rằng tổ chức này chính trị hóa, ngả về phía Liên Xô. Đến năm 2002, chính phủ Tổng thống George W. Bush đưa nước Mỹ trở lại tổ chức.
Đến năm 2011, sau khi UNESCO chấp nhận tư cách thành viên của Palestine, chính phủ của Tổng thống Barack Obama đã cắt tài trợ cho UNESCO. Vào tháng 12-2018, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump thông báo chính thức rút khỏi UNESCO nhằm phản đối tổ chức này thành kiến với Israel. Ngay sau đó, Israel cũng ra tuyên bố tương tự.