Không quân Mỹ đang chuẩn bị đưa một phi đội tác chiến đặc biệt gồm 10 máy bay trực thăng vận tải CV-22 Osprey đến căn cứ không quân Yokota ở Nhật (cách Tokyo 43 km).
Tuần báo Air Force Times của Mỹ ngày 1-5 (giờ địa phương) đưa tin như trên.
Lầu Năm Góc dự kiến ba máy bay đầu tiên sẽ đến căn cứ Yokota trong nửa sau năm 2017. Số còn lại sẽ đến trong năm 2021.
Các máy bay Osprey trực thuộc Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt không lực Mỹ sẽ phục vụ lực lượng đặc nhiệm Mỹ hoạt động tại Nhật hay gần Nhật. Không quân Mỹ cũng sẽ sử dụng các máy bay trong các chiến dịch tìm cứu hay giải quyết thảm họa thiên nhiên.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida (trái) yết kiến Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha ngày 2-5 tại Bangkok. Ảnh: REUTERS
Căn cứ Yokota ở Nhật là trục bản lề về vận chuyển đường không ở khu vực tây Thái Bình Dương. Căn cứ đã tiếp nhận 11.500 người với hơn 20 máy bay, bao gồm đơn vị Airlift Wing 374, phi đội Airlift 36, các máy bay C-130H Hercules, C-12 và UH-1.
Air Force Times ghi nhận song song với hoạt động đưa quân đội Mỹ trở lại Philippines, Mỹ sẽ xây dựng Nhật là tuyến đầu đối phó với Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Chuyên gia Michael O’Hanlon tại Viện Nghiên cứu Brookings ở Washington, D.C. nhận định không phải mọi lực lượng mới điều động đều nhằm đối phó trực tiếp với các mối đe dọa an ninh. Thật ra Mỹ chỉ tăng cường hiện đại hóa lực lượng ở Thái Bình Dương.
Các phi đội Osprey có thể làm nhiệm vụ cứu nạn, huấn luyện đa phương và chống khủng bố. Dù vậy, ông nhìn nhận Trung Quốc cũng là yếu tố tác động. Ông cho rằng nếu sắp tới Mỹ triển khai máy bay tiêm kích tàng hình F-22 Raptor thì đó mới là tín hiệu trực tiếp dành cho Trung Quốc. Hiện thời các máy bay F-22 Raptor đã được triển khai trên toàn châu Âu để đối phó với Nga.
Về sự kiện mới đây không quân Mỹ đã triển khai năm máy bay A-10 Thunderbolt II (yểm trợ trên không và tấn công mặt đất) và ba trực thăng cứu hộ HH-60G Pave Hawk đến căn cứ Clark ở Philippines, chuyên gia Michael O’Hanlon nhận định đây cũng là một ít tín hiệu và máy bay A-10 được dùng để tuần tra ở bãi cạn Scarborough.
Chuyên gia Zack Cooper tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, D.C. ghi nhận do sức ép từ bán đảo Triều Tiên và biển Đông, nhiều nước mong chờ Mỹ chứng tỏ cam kết. Do vậy, việc triển khai sức mạnh hải quân và không quân đã chứng tỏ phần nào cam kết của Mỹ trong khu vực.
Ông nhận xét: “Theo xu hướng sắp tới, Mỹ sẽ đưa thêm lực lượng đến khu vực bởi như vậy sẽ đỡ mất thời gian triển khai nếu có tình huống bất ngờ xảy ra”.
Reuters ngày 2-5 dẫn nguồn tin từ quan chức Mỹ giấu tên cho biết hải quân Mỹ và Ấn Độ sẽ hợp tác đối phó với chiến tranh tàu ngầm và đây là nền tảng để hai bên tiếp tục quan hệ lâu dài. Một nguồn tin từ hải quân Ấn Độ cho biết cuộc tập trận chung vào tháng 6 tới ở vùng biển bắc Philippines có thể là tập trận chống tàu ngầm. Hải quân Ấn Độ cho biết đã phát hiện tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện trung bình bốn lần mỗi ba tháng. Địa điểm thường thấy gần quần đảo Andaman và Nicobar cạnh eo biển Malacca, cửa ngõ vào biển Đông. Tháng trước New Delhi đã nhất trí sẽ mở cửa các căn cứ quân sự cho Mỹ để tiếp nhận công nghệ vũ khí của Mỹ. _______________________________ 700 tỉ yen (tương đương 7 tỉ USD) là số tiền Nhật mong muốn viện trợ cho các nước hạ lưu sông Mekong để cải thiện cơ sở hạ tầng và củng cố phát triển trong ba năm. Ngày 2-5, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida thông báo như trên trong chuyến công du đến Thái Lan. Tại Bangkok, ông kêu gọi bảo vệ an ninh hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế. Ông ủng hộ ASEAN nhanh chóng ký kết Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông. |