Mỹ tăng cường kiểm soát nhập cư sau vụ đánh bom

Vụ đánh bom xảy ra vào ngày 11-12 tại đoạn đường nối hai ga tàu điện nhộn nhịp nhất của Manhattan, New York. Vài giờ sau đó, ông Trump đã nhấn mạnh gốc gác của kẻ đánh bom, nhắc lại lời kêu gọi thắt chặt an ninh với người nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ và hạn chế người nhập cư dựa vào quan hệ gia đình.

 Đường phố New York tràn ngập cảnh sát sau vụ đánh bom vào sáng ngày 11-12. Ảnh: AP

Kẻ tình nghi bị bắt trong vụ đánh bom có tên Akayed Ullah, 27 tuổi, trả lời cảnh sát rằng hắn muốn trả thù người Mỹ vì có hành động chống lại những đối tượng cực đoan của IS. Akayed Ullah là người Bangladesh, đến Mỹ từ năm 2011 với thị thực dành cho những người thân của công dân Mỹ.

Trong một tuyên bố kêu gọi cải cách hệ thống nhập cư, ông Trump nói: "Nghi phạm khủng bố hôm nay đã vào đất nước chúng ta bằng hình thức nhập cư dựa vào quan hệ gia đình, điều này không phù hợp với an ninh quốc gia”. Trước đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders tuyên bố các chính sách mà ông Trump từng đề xuất "đáng lẽ đã ngăn chặn được điều này".

Ullah đã dùng dây nhựa quấn một quả bom ống quanh người, trà trộn vào hệ thống tàu điện ngầm nhộn nhịp nhất nước Mỹ và kích nổ bom, chính quyền cho biết. Tuy nhiên bom đã không nổ như dự kiến và chỉ có duy nhất một mình nghi phạm Ullah là người bị thương nặng. Vụ tấn công đã khiến dân chúng hoảng sợ, ngoài ra còn ba người bị đau đầu và tai do ảnh hưởng từ vụ nổ. Đây là vụ đánh bom đầu tiên tại hệ thống tàu điện ngầm trong hơn hai thập kỷ gần đây.

Nghi phạm Akayed Ullah, 27 tuổi người Bangladesh, nhập cư vào Mỹ từ năm 2011. Ảnh: AP

Từ năm 1965, chính sách nhập cư của Mỹ đã tập trung ưu tiên cho những người có trình độ cao, kỹ năng tốt hoặc những người có quan hệ thân nhân với công dân Mỹ. Công dân Mỹ có thể làm thủ tục bảo lãnh cho vợ/chồng, cha mẹ, con cái, anh chị em, vợ/chồng và con nhỏ của anh chị em; những người nhập cư sẽ được các quan chức Mỹ kiểm tra kỹ càng xem họ có được nhập cảnh hay không.

Chính quyền ông Trump đã kêu gọi hệ thống nhập cư nên "dựa vào giá trị con người" để hạn chế cấp thẻ xanh cho những người nhập cư dựa vào quan hệ gia đình.

Nghi phạm Ullah sống với bố, mẹ và anh trai tại khu phố Brooklyn cùng với cộng đồng lớn người Bangladesh. Gia đình nghi phạm cho biết "vô cùng đau buồn" trước vụ tấn công nhưng cũng "phẫn nộ trước cách chính quyền nhắm vào chúng tôi".

Ullah hiện đang được điều trị vì bị bỏng ở tay và bụng. Một quan chức cho biết Ullad nói rất mơ hồ về động cơ của mình, tuy nhiên cho biết bản thân muốn trả thù vì hành động công kích của Mỹ với một nhóm IS. Vụ việc xảy ra chưa đầy hai tháng sau vụ tấn công bằng xe tải tại Trung tâm Thương mại thế giới khiến tám người thiệt mạng. Một đối tượng người Uzbekistan đã lái xe tải lao vào làn đường dành cho xe đạp ở Manhattan, New York.

_____________________________________________________________

Chính phủ Bangladesh cũng đã lên án vụ đánh bom.

"Bangladesh cam kết thực hiện chính sách  “không khoan nhượng” trước chủ nghĩa khủng bố, lên án chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, với tất cả mọi hình thức và biểu hiện của nó ở mọi nơi thế giới, trong đó có vụ tấn công vào sáng ngày 11-12 ở New York” – chính phủ nước này cho biết trong một tuyên bố.

Vụ đánh bom tàu điện ngầm gần đây nhất được cho là xảy ra vào tháng 12-1994. Tại thời điểm đó, vụ nổ đã khiến 48 người bị thương tại vùng Hạ Manhattan. Thủ phạm là một lập trình viên máy tính tên Edward Leary, đã kích nổ bom nhằm tống tiền 2 triệu USD từ cơ quan quá cảnh thành phố. Đối tượng này đã bị buộc tội cố ý giết người và bị kết án 94 năm tù giam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm