Mỹ quyết định kích hoạt các căn cứ và cơ sở quân sự ở cảng Alexandroupoli thuộc vùng Western Thrace của Hy Lạp, cách biên giới với TNK chỉ 30 km. Quân đội Mỹ cũng có kế hoạch tập trận chung với quân đội Hy Lạp gần vùng Western Thrace, nơi có cộng đồng người Thổ sinh sống.
Cuối tuần rồi, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến thủ đô Nicosia của Cộng hòa Cyprus (được cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc công nhận) và thông báo dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho nước này. Trước đó, hồi tháng 7, ông Pompeo nói Mỹ sẽ mời Cộng hòa Cyprus tham gia huấn luyện quân sự. TNK lên án các bước đi này của Mỹ, đồng thời cho rằng ông Pompeo lý ra phải đến Cộng hòa Bắc Cyprus (chỉ được TNK công nhận).
Chưa kể nhiều năm nay TNK rất bất an chuyện Mỹ ủng hộ lực lượng tay súng người Kurd ở Syria (YPG) vốn bị Ankara cho là cánh tay nối dài của lực lượng ly khai PKK ở miền Nam nước mình. Phía Mỹ thì bất mãn chuyện TNK quyết mua bằng được các hệ thống phòng không S-400 từ Nga, bất chấp bị Mỹ loại khỏi chương trình hợp tác phát triển tiêm kích tàng hình F-35.
Trong bối cảnh căng thẳng này, số phận căn cứ không quân Incirlik của Mỹ trên đất TNK một lần nữa được đem ra bàn tán. Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Thượng viện Mỹ Ron Johnson nói với báo Washington Examiner rằng Mỹ sẽ củng cố, mở rộng một căn cứ hải quân ở vịnh Souda thuộc đảo Crete (Hy Lạp) để tiến tới thay thế căn cứ Incirlik.
Nằm ở tỉnh Adana (TNK) cách biên giới Syria chỉ 110 km, căn cứ Incirlik có vị trí chiến lược ngay từ khi thành lập năm 1954 và có vai trò quan trọng trong thời Chiến tranh lạnh, chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991 và trong chiến dịch Nhổ tận gốc do Mỹ dẫn đầu đánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq. Căn cứ Incirlik rất quan trọng với Mỹ trong đối phó với Nga, Iran và các nước Ả Rập ở Trung Đông.
Trong khi quan hệ với Mỹ ngày càng xấu thì quan hệ giữa TNK với Nga ngày càng cải thiện và hiện đã đến mức làm Washington phải lo ngại. Theo nhiều nhà quan sát, vì tầm quan trọng chiến lược của TNK ở Trung Đông, đặc biệt với tình hình Syria, Mỹ chắc chắn sẽ không để đồng minh NATO này rơi vào quỹ đạo của Nga. Cho nên chuyện chủ động rút khỏi căn cứ Incirlik có thể nói sẽ không xảy ra với Mỹ. Dù sao tới thời điểm này, Bộ Quốc phòng Mỹ bác bỏ khả năng này với tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ “không có kế hoạch chấm dứt hiện diện tại căn cứ không quân Incirlik”.
Vì hiểu tính quan trọng của căn cứ này với hoạt động của Mỹ ở khu vực, bản thân TNK từng không ngần ngại dọa sẽ yêu cầu Mỹ rút lực lượng khỏi căn cứ Incirlik nếu Washington làm quá. Tổng thống TNK Recep Tayyip Erdoğan từng cảnh cáo sẽ đóng cửa căn cứ Incirlik và trạm radar Kürecik ở tỉnh Malatya nếu Mỹ trừng phạt TNK. Năm 1975 TNK từng đóng cửa căn cứ Incirlik với Mỹ trong ba năm cũng như hạn chế NATO sử dụng nó.