Chỉ trong vòng một tuần qua, Mỹ liên tục đưa ra các cảnh báo về mối đe dọa mang tên Trung Quốc (TQ).
Nhận diện thời điểm Mỹ tấn công TQ
Có hai giai đoạn ông Trump tấn công TQ một cách mạnh mẽ trên mặt trận phát ngôn và truyền thông. Đó là khi ông Trump bước vào cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, khi chiến lược Tái cân bằng của người tiền nhiệm - Tổng thống Barack Obama - được cho là chưa tạo ra sức ép đáng kể với TQ. Đây là một trong những mũi tên chiến lược để ông Trump đánh vào nhóm cử tri từng ủng hộ ông Obama năm 2008 và 2012, đã bắt đầu hoài nghi về Hillary Clinton - ứng viên bị đánh giá không có những đột phá về chính sách đối ngoại so với ông Obama.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump cam kết đánh thuế cao hàng TQ; tiến hành các vụ kiện thương mại chống lại TQ; “đòi lại” việc làm từ tay công nhân TQ về cho người Mỹ; cáo buộc TQ thao túng tỉ giá đồng nhân dân tệ thái quá; đề xuất tăng cường khả năng ứng phó của Mỹ trước các cuộc tấn công mạng từ phía TQ và tăng cường sự hiện diện của quân đội Mỹ trong và xung quanh biển Đông. Thậm chí có giai đoạn ông Trump vừa nhậm chức Tổng thống Mỹ, Steve Bannon, khi đó là thành viên trong Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), nói rằng Mỹ và TQ sẽ có cuộc chiến tại biển Đông trong khoảng 5-10 năm tới.
Lần này ông Trump nhằm vào TQ khi Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ dự kiến vào tháng 11 tới. Cuộc chiến thương mại Mỹ-TQ chính thức diễn ra vào tháng 7, khoảng năm tháng trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence mới đây gây tiếng vang lớn khi có bài phát biểu cáo buộc TQ “đang triển khai một cách tiếp cận của toàn bộ chính quyền, sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự cũng như tuyên truyền để thúc đẩy sự ảnh hưởng và gặt hái lợi ích ở Mỹ”. Ông Pence khẳng định TQ trên con đường thực hiện mục tiêu “kiểm soát 90% các ngành công nghiệp tiên tiến nhất thế giới, bao gồm robot, công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo” đã “chỉ đạo các quan chức và doanh nghiệp nội địa thâu tóm tài sản, trí tuệ Mỹ bằng mọi phương tiện cần thiết”.
Tổng thống Trump vài giờ sau đó phát biểu hầu hết diện mạo ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang phụ thuộc mạnh vào TQ. Cuối tháng 9, tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Trump cáo buộc TQ can thiệp vào bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Đến nay, 250 tỉ USD hàng TQ nằm trong danh mục bị Mỹ đánh thuế và có thể leo thang.
Ông Trump (trái) liên tục chỉ trích TQ trước thềm bầu cử. Ảnh: AP
Thực tế quan hệ Mỹ-TQ
Phải khẳng định rằng hành động của Mỹ nhằm vào TQ có khoảng cách khá rộng so với các tuyên bố của chính quyền Trump hay các thông tin trên Twitter của tổng thống. Trong năm đầu nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump không tạo ra những áp lực liên tục và đáng kể với Bắc Kinh. Chỉ trong vòng chưa đến một năm, hai nhà lãnh đạo hai cường quốc hàng đầu thế giới đã gặp nhau ba lần: Lần đầu ông Tập đến Mỹ vào tháng 4-2017, lần hai tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức vào ba tháng sau đó và lần gần nhất ông Trump đến TQ vào tháng 11 năm ngoái. Ông Trump lẫn ông Tập đều tạo ra hình ảnh ngoại giao rất đẹp lẫn những từ ngữ “có cánh” dành cho nhau. Thậm chí có lúc ông Trump ca ngợi người đồng cấp TQ là “một người đáng kính” và khẳng định mối quan hệ Mỹ-TQ sắp tới sẽ “rất đặc biệt, khác những gì từng có trước đây”. Giới quan sát gọi là “tuần trăng mật” trong quan hệ Trump-Tập nói riêng và Mỹ-TQ nói chung.
Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tiến hành hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị G20 vào cuối tháng 11-2018 để giải quyết các tranh chấp thương mại đang leo thang. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng LARRY KUDLOW |
Khi cuộc chiến thương mại diễn ra, nhiều người cho rằng Mỹ chính thức tập trung đối phó TQ. Nếu ông Obama có “tái cân bằng” thì ông Trump có “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”; khi ông Obama dùng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương thì ông Trump dùng chiến tranh thương mại; cả hai chính quyền vẫn dùng tuần tra tự do hàng hải và các cuộc tập trận trên biển để duy trì hiện diện và đảm bảo an ninh ở châu Á.
Nhưng trên thực tế, ông Trump chưa có những sáng kiến nổi bật trong việc kiềm chế và ngăn chặn TQ thực thi chủ nghĩa xét lại - tìm cách thay thế các thể chế và thứ bậc quyền lực của Mỹ ở khu vực. Ông Trump khẳng định Mỹ đang chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại thì không ít chuyên gia và tổ chức kinh tế dự báo tương lai xám xịt với nền kinh tế Mỹ. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy sự ủng hộ của doanh nghiệp Mỹ với ông Trump rất thấp. Các thành tựu kinh tế nửa đầu năm 2018 của Mỹ được các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ không lâu dài bởi chủ yếu đến từ chính sách nội bộ như giảm thuế chứ không phải gặt hái từ căng thẳng với TQ. Trái lại, hậu quả cuộc chiến thương mại hiện nay và tương lai khiến kinh tế Mỹ bắt đầu cảm nhận được nhiều khó khăn.
Tất cả điều này tạo ra áp lực lên lá phiếu tháng 11, khi khả năng chiến thắng của phe Dân chủ khá cao. Vì thế, ở góc độ lợi ích quốc gia và sự phụ thuộc qua lại to lớn giữa Mỹ-TQ, các tuyên bố chính sách đối với TQ của ông Trump giống như lời kêu gọi bầu cử năm 2016 hơn là cam kết hành động đã có kế hoạch, phương tiện, giải pháp và cơ sở thực tiễn. Với tính cách chính trị “khó đoán” của ông Trump, khả năng thay đổi cơ cấu quyền lực nội bộ Mỹ sau bầu cử tới đây và các chính sách đối đầu không thể xem thường từ phía Bắc Kinh, chính sách Mỹ nhằm vào TQ sẽ không đơn giản như những phát ngôn của chính quyền ông Trump.
Mỹ còn triển khai bán vũ khí cho Đài Loan; rút lời mời TQ tập trận chung ở Thái Bình Dương; trừng phạt Cục Phát triển thiết bị TQ (EDD) và người đứng đầu Li Shangfu vì mua vũ khí của Nga; tăng cường tuần tra biển Đông so với thời ông Obama… Mới đây, CNN dẫn lời quan chức cấp cao Mỹ (giấu tên) tiết lộ kế hoạch ngăn chặn TQ trên biển do hải quân Mỹ lãnh đạo, Hạm đội Thái Bình Dương tiến hành kéo dài từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sang bờ biển phía Tây Nam Mỹ. |