Mỹ - Triều Tiên đang đến gần đối thoại?

Ngày 5-3, phái đoàn cấp cao của Hàn Quốc, dẫn đầu bởi lãnh đạo Văn phòng an ninh quốc gia Chung Eui-yong, đã đến Triều Tiên. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết mục tiêu chính của sứ mệnh ngoại giao lần này là đưa Mỹ và Triều Tiên nhích lại gần hơn đến bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân và tên lửa.

Sứ mệnh ngoại giao quan trọng

Theo hãng tin Reuters, phái đoàn cấp cao Seoul cử sang gặp các lãnh đạo Bình Nhưỡng gồm 10 thành viên. Đi cùng ông Chung còn có lãnh đạo Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) Suh Hoon và Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung. Chuyên cơ của phái đoàn đã rời sân bay quân sự Seongnam gần thủ đô Seoul vào sáng 5-3.

Phát biểu tại văn phòng tổng thống trước chuyến đi, ông Chung khẳng định: “Bằng cách mở rộng sự thiện chí và làm ấm lại mối quan hệ liên Triều sau Thế vận hội mùa đông PyeongChang, chúng tôi sẽ theo mang theo thông điệp của Tổng thống Moon Jae-in về tương lai phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hòa bình vĩnh viễn”. Phái đoàn sẽ trao đổi với các quan chức Triều Tiên về việc khởi động đối thoại giữa nước này với Mỹ cũng như với các quốc gia khác, ông Chung cho biết.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tối 5-3 đã tiếp phái đoàn cấp cao của Hàn Quốc, theo hãng tin Yonhap.

Dù nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) để mở cánh cửa đối thoại với Mỹ, Tổng thống Donald Trump (trái) vẫn kiên quyết phi hạt nhân hóa mới đối thoại. Ảnh: FOXNEWS

Thăm dò Bình Nhưỡng

Phát biểu tại Hội thảo nhà báo thế giới năm 2018 ở Seoul, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha tiết lộ các phái đoàn của Mỹ và Triều Tiên đã không trực tiếp liên lạc bên lề sự kiện thế vận hội trong tháng 2-2018. Tuy nhiên, Seoul vẫn đủ cơ sở để khẳng định cả hai nước đều đã bày tỏ thiện chí muốn tổ chức tiếp xúc trực tiếp. “Thông qua phái đoàn đặc biệt đến Bình Nhưỡng, chúng tôi hy vọng có thể thăm dò rõ hơn ý định đối thoại của Triều Tiên” - bà Kang cho biết.

Ghi nhận những phản ứng tích cực từ Triều Tiên, bà Kang không quên cảnh báo nếu Triều Tiên tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân hoặc tên lửa sẽ chẳng khác nào dội nước lạnh lên bầu không khí đối thoại đang ấm dần lên. Kể từ lần thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) vào tháng 11-2017 đến nay, Triều Tiên đã không tổ chức thêm bất kỳ hoạt động thử nghiệm vũ khí nào khác. Đổi lại, Mỹ và Hàn Quốc cũng thống nhất tạm hoãn các cuộc tập trận thường niên quy mô lớn để tạo điều kiện cho Thế vận hội PyeongChang.

Phi hạt nhân hóa là điều kiện tiên quyết

Ngoại trưởng Hàn Quốc nhấn mạnh đối thoại liên Triều sẽ không khả thi nếu như không có tiến triển nào mới về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo. “Chúng tôi hiểu rõ rằng đối thoại liên Triều và việc cải thiện quan hệ Triều Tiên - Hàn Quốc sẽ không thể tiếp tục nếu như không có những tiến triển trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên một cách hòa bình” - bà Kang nhấn mạnh, đồng thời nhận định chỉ có đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên mới tạo ra được bước tiến triển mới.

Trong khi đó, các phát biểu chính thức và không chính thức của Nhà Trắng thời gian qua vẫn luôn nhấn mạnh điều ngược lại. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đối thoại trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên chỉ khả thi nếu như chính quyền Bình Nhưỡng bày tỏ thiện chí phi hạt nhân hóa.

_______________________________

“Đến nay Triều Tiên vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy mong muốn đối thoại phi hạt nhân hóa với Mỹ. Tuy nhiên, họ hiểu rất rõ những lệnh trừng phạt nặng nề hiện tại. Những lợi ích then chốt của Triều Tiên sẽ không được đảm bảo nếu không nhượng bộ với phía Mỹ” - Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nhấn mạnh vào ngày 5-3.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm