Ngày 14-9, Mỹ công bố gói trừng phạt với hơn 150 cá nhân và thực thể ở Nga và một số nước với cáo buộc giúp Nga trốn trừng phạt và hỗ trợ cuộc chiến của Moscow ở Ukraine, theo hãng tin Reuters.
Đây là một trong những gói trừng phạt lớn nhất của Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ.
5 công ty và 1 công dân Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong danh sách trừng phạt với cáo buộc giúp Nga vận chuyển “hàng hóa có công dụng kép” (hàng hóa phục vụ dân sự và quân sự) và bán công nghệ phương Tây cho Nga để Moscow tăng cường nỗ lực chiến tranh.
Một công ty mới thành lập ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) bị trừng phạt vì cáo buộc cung cấp kỹ thuật và công nghệ cho dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga ở Bắc Cực. Nhiều công ty Nga tham gia phát triển dự án này cũng nằm trong danh sách trừng phạt.
Một mạng lưới có trụ sở tại Phần Lan chuyên vận chuyển các thiết bị điện tử nước ngoài cho người dùng Nga cũng là mục tiêu trừng phạt.
Còn lại là các cá nhân và công ty Nga mà Mỹ cho rằng đã hỗ trợ sản xuất vũ khí và các vật tư khác cho lực lượng vũ trang Nga. Hai cá nhân có liên quan nhóm quân sự Wagner cũng bị đưa vào danh sách đen, một người bị cáo buộc tạo điều kiện buôn bán vũ khí với Triều Tiên, người còn lại là vì vai trò của nhóm Wagner ở Cộng hòa Trung Phi.
Ông James O'Brien - người đứng đầu cơ quan điều phối các biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với hãng tin AP: “Mục đích của hành động này là nhằm hạn chế năng lực sản xuất quốc phòng của Nga và giảm khả năng thanh toán của Moscow trong cuộc chiến ở Ukraine”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết: “Chính phủ Mỹ đang nhắm mục tiêu vào các cá nhân và thực thể giúp Nga trốn tránh và lách lệnh trừng phạt, những người đồng lõa trong việc tăng cường khả năng của Nga tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine và cả những người chịu trách nhiệm thúc đẩy sản xuất năng lượng trong tương lai của Nga”.
Đại sứ quán Nga tại Mỹ chưa trả lời yêu cầu bình luận về gói trừng phạt.
Theo Reuters, lệnh trừng phạt của Mỹ được thực hiện vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ khi Washington hy vọng Ankara sẽ phê chuẩn tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển.
Ngày 14-9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller cho biết Washington không lo lắng rằng các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển.
“Chúng tôi tiếp tục làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để truyền đạt rằng việc gia nhập NATO là quan trọng đối với Thụy Điển, điều đó sẽ diễn ra càng sớm càng tốt và chúng tôi nhận được sự đảm bảo của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rằng việc gia nhập NATO sẽ diễn ra”.
Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận về vụ việc.