Tham dự về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, về phía Trung Quốc (TQ) có Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì (ảnh).
Ban đầu, mọi thứ diễn ra có vẻ suôn sẻ khi phái đoàn TQ bình tĩnh bước vào phòng họp nơi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và các quan chức Mỹ chờ sẵn. Tuy nhiên, chỉ vài phút sau mọi chuyện đã thay đổi. Bầu không khí bắt đầu căng thẳng khi ngay mở đầu cuộc họp hai bên chỉ trích gay gắt lẫn nhau trước sự chứng kiến của truyền thông quốc tế.
Ông Vương Nghị thậm chí phàn nàn đó không phải cách “chủ nhà tiếp đón khách”. Đài truyền hình trung ương TQ (CCTV) sau đó dẫn lời một quan chức giấu tên của nước này nói rằng: “Đây không phải cách tiếp đón thịnh tình và cũng không phù hợp với nghi thức ngoại giao”.
Cuộc họp dự kiến kéo dài 2 giờ đồng hồ nhưng rốt cuộc đã kéo dài gần 4 tiếng trong bầu không khí căng thẳng. Có thời điểm khi phóng viên bắt đầu rời phòng họp, Ngoại trưởng Mỹ Blinken bất ngờ đề nghị họ quay lại và phái đoàn hai bên tiếp tục những phát biểu gay gắt nhằm về bên kia.
Sau cuộc họp, một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết: “Phái đoàn TQ dường như tham dự đối thoại với chủ ý gây ấn tượng hơn là muốn đối thoại thực chất”. Quan chức này còn nói rằng phía TQ đã vi phạm thỏa thuận về việc mỗi bên được phát biểu mở màn không quá 2 phút. Tuy nhiên, CCTV phản bác và cho rằng chính phía Mỹ mới là bên vi phạm giao thức ngoại giao và đưa ra những cáo buộc “vô căn cứ”.
Một dấu hiệu khác nữa cho thấy sự căng thẳng là hai bên không dùng bữa cùng nhau sau cuộc họp, một điều hiếm thấy với các cuộc họp cấp cao kiểu này. Hãng tin CGTN đăng tải một đoạn video cuộc nói chuyện của phái đoàn TQ trước khi vào phòng họp cho thấy ông Vương Nghị hỏi ông Dương Khiết Trì đã ăn trưa chưa, ông Dương đáp lại rằng đã ăn mì ăn liền.
Cuộc họp cấp cao dự kiến nối lại vào hôm sau, song hiện không rõ liệu hai bên có tránh được bầu không khí căng thẳng của ngày họp đầu tiên hay không. Tờ The Wall Street Journal vài ngày trước dẫn nguồn tin nội bộ cho hay phái đoàn TQ đến Alaska với hy vọng đề nghị chính quyền Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt của chính quyền tiền nhiệm nhằm vào công ty, quan chức nước này.