Đây là khu vực tìm kiếm mới hoàn toàn so với vùng biển đã dò tìm trước đó. Theo hãng tin Reuters, lực lượng quân sự Mỹ sẽ phối hợp với Ấn Độ và Malaysia, quyết định này mở rộng đáng kể vùng tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Bản đồ khu vực tìm kiếm mới trong hôm nay của quân đội Mỹ
Phát ngôn viên nhà trắng, ông Jay Carney cho biết: “Căn cứ trên những gì chúng tôi nắm được, không cần thiết phải có một sự xác nhận nào khác. Mỹ sẽ bổ sung tìm kiếm ở Ấn Độ Dương”.
Lực lượng cứu hộ Malaysia ở biển Đông
Các quan chức Malaysia không bình luận gì về câu nói này. Sau gần một tuần “càn quét” ở biển Đông, các nước vẫn chưa tìm được bất kỳ dấu vết nào của chiếc Boeing 777-200, trong khi nhà chức trách vẫn khẳng định máy bay đã mất tích trên vùng biển này. Cho đến hôm nay, hãng sản xuất động cơ Boeing, Rolls-Royce, vẫn từ chối trả lời về khả năng truyền dữ liệu tự động của động cơ máy bay sau khi mất tín hiệu radar.
Hiện máy bay và tàu của lực lượng cứu hộ Mỹ đang chia làm hai hướng, tìm kiếm xung quanh hai mặt của bán đảo Mã Lai và biển Andaman.
Một chiếc P-8A Poseidon, được mệnh danh là “sát thủ săn ngầm”, loại máy bay tuần tra tối tân của Mỹ đã được điều tới eo biển Malacca. Ngoài ra còn có một chiếc P- 3 Orion, loại máy bay giám sát hàng hải chuyên dụng cũng có mặt.
Máy bay săn ngầm P -8A Poseidon của quân đội Mỹ
Trên đường biển, các tàu khu trục tên lửa của Hải quân Mỹ , USS Kidd, đang trên đường hướng đến Malacca. Những tàu này trước đó đã dò tìm ở khu vực vịnh Thái Lan.
Tàu khu trục tên lửa USS Kidd tiến về Malacca
Phía Ấn Độ đã ra lệnh triển khai các tàu, máy bay và máy bay trực thăng từ đảo Andaman và Nicobar. Một máy bay giám sát P8I Poseidon của Ấn Độ đã đến từ chiều qua.
Phi cơ P- 3 Orion trang bị hệ thống radar tối tân
Cho đến thời điểm này, Trung Quốc, là nước có số hành khách đi trên chuyến bay MH 370 lớn nhất, đã điều động bốn tàu chiến, bốn tàu bảo vệ bờ biển, 8 máy bay và 10 vệ tinh trên khu vực tìm kiếm rộng lớn. Đây là cuộc tập hợp lực lượng cứu hộ lớn nhất của Trung Quốc từ trước tới nay.
Phương Dung