Myanmar sau 100 ngày xảy ra chính biến

Theo kênh Channel News Asia, đúng 100 ngày sau khi quân đội Myanmar thực hiện cuộc chính biến hồi ngày 1-2, các cuộc biểu tình rầm rộ và những cuộc trấn áp của chính quyền quân sự vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Điều gì đã xảy ra vào ngày 1-2?

Sáng sớm ngày 1-2, quân đội Myanmar đã bất ngờ bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Myanmar Win Myint và các quan chức cấp cao của đảng Liên mminh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) với cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020.

Sau đó, chính quyền quân sự nước này đã ngắt mọi kênh thông tin liên lạc, internet, phong tỏa các con đường xung quanh thủ đô Naypyidaw và đóng cửa sân bay quốc tế.

Biểu tình tại Myanmar. Ảnh: CNN

Thông qua một kênh truyền nhà nước, quân đội Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, đồng thời cho biết quyền lực đã được giao cho Tướng Min Aung Hlaing với cam kết sẽ tổ chức bầu cử trong thời gian tới.

Phản ứng của người dân và cách xử lý của chính quyền

Tính đến ngày 9-5, có hơn 700 người dân đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh và khoảng 3.800 người khác bị giam giữ, theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP).

Người dân TP Yangon đã tụ tập bên ngoài nhà của họ để khua xoong nồi và bấm còi ô tô nhằm phản đối cuộc chính biến.

Các nhà hoạt động ở Myanmar nhanh chóng tổ chức thành một phong trào bất tuân dân sự, phối hợp đình công và tẩy chay các doanh nghiệp có liên hệ với quân đội. 

Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào ngày 9-2, khi một phụ nữ tên Mya Thwe Thwe Khine đã bị bắn đạn thật vào đầu khi tham gia một cuộc biểu tình ở thủ đô Naypyidaw.

Đến ngày 19-2, người phụ nữ này đã qua đời. Sau đó, ngày càng có nhiều thường dân, bao gồm trẻ em, thiệt mạng trong các cuộc biểu tình.

Người dân TP Yangon, Myanmar đập xoong nôi, bấm còi ô tô để phản đối chính biến. Ảnh: AFP

Theo Channel News Asia, các công chức đã đóng một vai trò quan trọng ngay từ những ngày đầu của phong trào biểu tình. Các bác sĩ và giáo viên là một trong những nhóm đầu tiên xuống đường biểu tình chỉ vài ngày sau cuộc chính biến.

Các nhà ngoại giao Myanmar được chính phủ dân sự chỉ định ở nước ngoài cũng trở thành cơ sở hỗ trợ cho phong trào chống chính biến từ nước ngoài.

Đặc phái viên Myanmar tại Liên Hợp Quốc - Đại sứ Kyaw Moe Tun đã kêu gọi cộng đồng quốc tế sử dụng bất kỳ phương tiện nào cần thiết để kết thúc cuộc chính biến.

Vào tháng 4, Ủy ban Đại diện Pyidaungsu Hluttaw (CRPH) - tên cơ quan lập pháp của Myanmar - đã thành lập một nội các song song, được gọi là Chính phủ Đoàn kết dân tộc (NUG). Nhiều người biểu tình coi đây là chính phủ hợp pháp của đất nước và đã kêu gọi đưa nó vào các cuộc đàm phán quốc tế để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Kể từ đó, chính quyền quân sự đã định danh Chính phủ Đoàn kết dân tộc và CRPH là "tổ chức khủng bố". Điều này có nghĩa là bất kỳ ai thương thảo với họ - kể cả các nhà báo - đều có thể bị buộc tội theo luật chống khủng bố.

Vai trò của quân đội ở Myanmar

Trong khi Myanmar có đa số dân theo đạo Phật, đất nước này cũng là nơi sinh sống của hơn 100 dân tộc, một số đã tham gia vào cuộc xung đột dai dẳng nhất thế giới chống lại chính quyền trung ương trong 70 năm qua.

Trong bối cảnh bất ổn này, quân đội đã đóng vai trò là người bảo vệ sự thống nhất quốc gia.

Quân đội Myanmar lần đầu tiên nắm quyền ở nước này vào năm 1962 sau một cuộc chính biến do Tướng Ne Win phát động. Theo đó, việc quân đội nắm quyền đã kéo dài trong gần 50 năm, cho đến khi bắt đầu quá trình chuyển đổi dân chủ vào năm 2011.

Theo Channel News Asia, quân đội Myanmar có quyền phủ quyết đối với bất kỳ thay đổi nào đối với Hiến pháp, đồng thời kiểm soát các bộ quan trọng như quốc phòng và nội vụ.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế

Trước đây, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không hành động trong các vấn đề khác như việc đối xử với người Rohingya của chính quyền Myanmar. Tuy nhiên, lần này, toàn khối và các quốc gia thành viên dường như đang có vị thế mạnh hơn.

Brunei - với tư cách là chủ tịch ASEAN - đã nhanh chóng đưa ra lời kêu gọi đối thoại, hòa giải và "trở lại trạng thái bình thường". Indonesia và Thái Lan đều đã tổ chức các cuộc đàm phán với quân đội nhiều tuần sau cuộc chính biến, trong khi Malaysia và Singapore đã sử dụng “ngôn từ cứng rắn” để kêu gọi sự ổn định ở Myanmar.

Sau đó, vào ngày 24-4, ASEAN đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của các nhà lãnh đạo khối tại Jakarta, Indonesia nhằm đảm bảo thỏa thuận của Tướng Min Aung Hlaing rằng ông không phản đối chuyến thăm của một phái đoàn ASEAN để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Chính quyền quân sự cho biết họ sẽ đưa ra "cân nhắc cẩn thận đối với các đề xuất mang tính xây dựng" từ ASEAN về các cách giải quyết tình trạng hỗn loạn. Các nhà phân tích nhận định bất kỳ điều gì xảy ra đi nữa, Myanmar vẫn là thách thức quan trọng nhất đối với tính trung tâm và thống nhất của ASEAN.

Trung Quốc đã không lên án việc quân đội Myanmar tiến hành chính biến, chỉ nói rằng họ hy vọng vào sự ổn định và một "quá trình chuyển đổi dân chủ".

Trung Quốc là nước láng giềng lớn nhất, một đối tác thương mại quan trọng và là một nhà đầu tư lớn của Myanmar nên được coi là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất ở nước này. Theo Channel News Asia, nhiều người biểu tình nghi ngờ Bắc Kinh ủng hộ cuộc chính biến nên đã bày tỏ quan điểm chống Trung Quốc.

Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi cộng đồng quốc tế "có thái độ khách quan, công bằng và làm nhiều hơn nữa để giúp giảm bớt căng thẳng ở Myanmar".

Theo ông, Trung Quốc sẽ duy trì liên lạc chặt chẽ với ASEAN và tiếp tục xử lý bất kỳ công việc nào liên quan đến Myanmar theo cách riêng của họ.

Các cường quốc phương Tây ngay từ đầu đã lên án hành động của quân đội Myanmar. Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các nước phương Tây khác như Anh cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và doanh nghiệp có liên quan đến quân đội Myanmar.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới