Một công ty Hà Lan vừa được chính phủ Na Uy ủy quyền chôn một con tàu ngầm của Đức Quốc xã bị đắm xuống dưới lớp cát dưới đáy biển để ngăn khoảng 1.800 thùng hóa chất trong tàu ngầm này rò rỉ ra mặt biển, RT đưa tin.
Tàu ngầm U-864 tải trọng 2.400 tấn của Đức Quốc xã bị hải quân Anh đánh đắm bằng ngư lôi ngoài khơi Na Uy đầu năm 1945 khi đang trên đường tiến về Nhật, toàn bộ 73 thủy thủ thiệt mạng. Tàu được ngư dân Na Uy phát hiện tháng 3-2003, sau đó được tàu quét ngư lôi của Hải quân Hoàng gia Na Uy kiểm tra và xác nhận.
Hơn 60 năm qua xác tàu vẫn tiếp tục rò rỉ thủy ngân từ các thùng chứa gỉ sắt trong thân tàu nằm sâu 152 m dưới mặt biển.
Ảnh mô phỏng dự án chôn tàu ngầm Đức Quốc xã đầy hóa chất do Cơ quan Duyên hải Na Uy tạo ra. Ảnh: RT
Mỗi năm có khoảng 4 kg kim loại độc rỉ ra nước biển, gây ô nhiễm 30.000 m2 đáy biển, nhiễm độc một lượng lớn hải sản, khiến nhà chức trách Na Uy phải ra lệnh cấm đánh bắt trong khu vực hơn 3 km ngoài bờ biển Bergen.
Mới đây chính phủ Na Uy đã thuê Công ty Van Oord của Hà Lan chôn xác con tàu để ngăn chặn rò rỉ kim loại độc. Chiến dịch chôn con tàu này được tính toán sẽ tốn tới 32 triệu USD, dự kiến sẽ bắt đầu vào năm tới và hoàn thành vào năm 2020.
Từng mô tả sự cố con tàu ngầm này như một “Chernobyl dưới nước”, Cơ quan Duyên hải Na Uy cho rằng đây không phải là giải pháp vĩnh viễn mà chỉ là một chiến thuật trì hoãn, 65 tấn thủy ngân vẫn sẽ rò rỉ ra biển trong vài thập niên nữa.
Các nhà hoạt động vì môi trường muốn xác con tàu được đưa ra xa ngoài khơi hơn nữa nhưng nhà chức trách Na Uy cho rằng điều này quá rủi ro vì các chai chứa thủy ngân trong xác tàu có thể vỡ khi bị di chuyển mạnh.