Năm 2014: Các đại gia đổ bộ vào nông nghiệp

Trước sự bất động, dự báo tiếp tục khó khăn của bất động sản (BĐS), chứng khoán, không ít ông lớn lĩnh vực này đã và đang chuyển ngược hướng kinh doanh của mình sang nông nghiệp trồng rừng, cao su, mía, gạo…

Làm bằng công nghệ cao

TS Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc Thuduc House, cho biết từ năm 2013, doanh nghiệp (DN) đã phát triển thêm ngành phụ mới là xuất khẩu nông sản, lâm sản. Cụ thể Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (thành viên của Thuduc House) đang liên kết với một nhà đầu tư trồng bắp ở tỉnh Bình Thuận. Thuduc House sẽ cấp vốn còn nhà đầu tư có sẵn đất, bước đầu sẽ trồng thử nghiệm theo công nghệ cao phục vụ theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu. DN chỉ cần lo khâu sản xuất, còn đầu ra đã có khách hàng sẵn. Ngoài ra, Thuduc House đang đẩy mạnh xuất khẩu các loại gỗ dăm phục vụ cho ngành công nghiệp làm giấy, sắn làm cồn cho các đối tác Nhật Bản đã có từ lâu. Dự kiến trong quý I-2014, DN này sẽ ký nhiều hợp đồng xuất khẩu mặt hàng lâm sản với khách hàng, mỗi hợp đồng trị giá trên 10 triệu USD.

“Ngoài ra, với lợi thế chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đã qua 11 năm hoạt động, DN vừa sản xuất cung ứng hàng cho chợ tiêu thụ trong nước, vừa có đủ nguồn hàng phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó DN cũng tăng nhập khẩu những mặt hàng nông sản mà ở nước ta không có. Nông nghiệp hiện cũng chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong chiến lược đầu tư của DN, BĐS vẫn là nòng cốt. So với BĐS có thể nông nghiệp lợi nhuận thấp hơn nhưng lại cần ít vốn hơn, rủi ro thấp hơn và ăn chắc mặc bền đảm bảo có lợi nhuận” - ông Hiếu chia sẻ.

Nông nghiệp công nghệ cao là một lĩnh vực mà các DN ngoài ngành đang có xu hướng đầu tư. Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, theo ông Hiếu nông nghiệp cũng không phải là ngành dễ xơi, nếu làm khơi khơi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì sẽ thất bại. DN đầu tư phải làm một cách bài bản, thật sự tâm huyết, chú trọng công nghệ cao tăng giá trị sản phẩm thì mới có sự bền vững. Thuduc House trước khi quyết định đầu tư sang một ngành mới đã phải tìm nguồn nhân lực có kiến thức về nông nghiệp, chú trọng công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại. Đồng thời, liên kết với đối tác có tiềm lực và chuẩn bị sẵn đầu ra cho sản phẩm.

Một “ông lớn” trong lĩnh vực này là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), nhanh chóng chuyển sang lĩnh vực nông nghiệp từ lâu và xác định đây là một trong hai ngành kinh doanh chính của DN. HAGL bắt đầu trồng cao su từ năm 2007 với những biện pháp khoa học kỹ thuật mới, giống mới được nhập từ các nước có ngành cao su tiên tiến như Malaysia và Thái Lan, cho nên đến giữa năm 2012 lứa cây cao su đầu tiên đã bắt đầu cho sản phẩm. Khi hoàn thành chương trình trồng và đưa vào khai thác 51.000 ha cao su, HAGL có thể thu hoạch được khoảng 127.500 tấn mủ cao su quy khô để xuất khẩu. Ngoài ra, cuối chu kỳ khai thác mủ cao su (sau 25 năm), 51.000 ha cao su sẽ cho ra khoảng 3 triệu m³ gỗ phục vụ cho ngành chế biến gỗ với giá trị khoảng 750 triệu USD. Sau khi trừ đi chi phí khai thác, vận chuyển và chế biến khoảng 320 triệu USD, còn thu về khoảng 430 triệu USD (từ sản phẩm gỗ cao su). Bầu Đức tiết lộ tập đoàn đã trồng được 35.000 ha mía, cao su và dầu cọ ở Lào chỉ sau một năm sang đầu tư. HAGL áp dụng công nghệ sản xuất “nông nghiệp không đất” của Israel với mía, cao su tại tỉnh Attapeu với hệ thống tưới nước nhỏ giọt bằng đường ống chôn trong đất. Đặc biệt, HAGL còn mua bản quyền phần mềm công thức đất của Israel, lấy mẫu đất về phân tích nếu thiếu chất dinh dưỡng nào thì sẽ bổ sung chất đó. Việc này giúp DN không lãng phí phân bón, tiết kiệm chi phí, đảm bảo đủ dưỡng chất để cây hấp thụ phát triển.

Bầu Đức cũng chỉ ra phát triển công nghệ cao, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp với phương châm không có gì bỏ phí đã giúp DN khai thác hết giá trị sản phẩm vừa bảo vệ môi trường. Như bã mía đã tạo ra điện phục vụ cho chính nhà máy đường của DN, sử dụng không hết bán cho Lào, tro còn đem làm phân và sản suất ethanol. Chỉ tính ba sản phẩm phụ này đã giúp giảm giá thành sản xuất. Vì vậy, giá đường của HAGL chỉ khoảng 4.500 đồng/kg trong khi tại Việt Nam 12.000-13.000 đồng/kg.

Chứng khoán cũng rót tiền vào nông nghiệp

Cũng giống các đại gia trên, Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt cũng đã có bước đi tương tự, bổ sung thêm lĩnh vực nông nghiệp như trồng rừng, cao su, gạo, chăn nuôi vào giấy phép kinh doanh của mình. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát Đạt, cho rằng trải qua nhiều khó khăn, DN mới rút ra bài học kinh nghiệm, bên cạnh ngành kinh doanh chính, DN cần làm thêm những ngành phụ để tạo nguồn thu ổn định.

Công ty CP Đầu tư Thương mại BĐS An Dương Thảo Điền cũng đã công bố nghị quyết hội đồng quản trị vào cuối năm 2013 về việc tham gia góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư và Thương mại Ascentro. Đáng chú ý, với mảng hoạt động của DN mới này là nông, lâm sản nguyên liệu (trừ gỗ, tre, nứa) và động vật sống. DN không sản xuất mà chỉ bán buôn nông sản, nguyên liệu thức ăn gia súc, thức ăn thủy sản, bán buôn thóc, bắp và các loại ngũ cốc.

Không chỉ BĐS, DN chứng khoán cũng thử sức mình trong nông nghiệp. Đại diện Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết đã vạch sẵn kế hoạch kinh doanh mới đầu tư nông sản, thủy sản. Hiện SSI đã liên kết với nhiều DN trong lĩnh vực này như Công ty CP Giống cây trồng Trung ương, Công ty Chế biến Hàng xuất khẩu Long An… Tháng 11-2013, SSI đã ký kết với một tập đoàn đa quốc gia hợp tác huy động và quản lý một quỹ đóng với quy mô 150 triệu USD, chuyên đầu tư vào các công ty trong chuỗi giá trị nông nghiệp, thực phẩm ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Biết chọn ngành hàng có lợi thế

Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương, cho biết DN ngoài ngành đổ vốn vào nông nghiệp đây là dấu hiệu quá tốt vì dòng vốn nhà nước đầu tư cho lĩnh vực này quá thấp. Những DN đầu tư vào nông nghiệp đều có chủ đích từ trước, có cái nhìn dài hạn, đón cơ hội từ Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với TPP, Việt Nam có những lợi thế sẵn có về các mặt hàng nông sản cơ bản mà hầu hết người tiêu dùng trên thế giới đều phải sử dụng. Thuế bằng 0, cơ hội nông sản xuất khẩu sang các nước sẽ rất phát triển. Đầu tư cho nông nghiệp không bao giờ là muộn, nhiều ý kiến nói đầu tư dài hạn nhưng thật sự đầu tư vào nông nghiệp chỉ cần ít vốn nhưng lập tức có cái thu ngay tức thì. BĐS mất cả năm, mấy năm mới thu lợi nhuận nhưng nông nghiệp nhiều khi chỉ cần vài tháng là đã có tiền lời trong tay.

Ông Bích cho hay TPP cũng như các hiệp định thương mại khác luôn có cạnh tranh thách thức. Dĩ nhiên “ông mất chân giò, bà thò nậm rượu”, tham gia TPP, Việt Nam được cái này sẽ mất cái kia. Dẫn chứng là chăn nuôi nội sẽ hết đất sống nếu TPP có hiệu lực, thịt và sữa ngoại sẽ chiếm lĩnh thị trường nước ta với giá rẻ hơn, chất lượng hơn. Đây sẽ là bài học cho sự đầu tư của các DN BĐS, chứng khoán muốn đổ tiền vào nông nghiệp. DN cần lựa chọn những ngành hàng trong lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh khi Việt Nam tham gia TPP, nếu lựa chọn sai thì chắc chắn gặp bất trắc. Đơn cử như gạo, thủy sản với năng suất cao, vùng nguyên liệu lớn, thị trường rộng, giá lại cạnh tranh sẽ luôn có nhiều lợi thế.

Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Thuduc Housse, cho rằng nguồn cung nông sản, lâm sản ở Việt Nam, Lào, Campuchia tiềm năng rất lớn, nhu cầu thị trường chưa khai thác được bao nhiêu vì thế càng nhiều DN tham gia vào nông nghiệp càng tốt chứ không lo cạnh tranh. Song nước ta cần phát triển mạnh ngành công nghiệp dịch vụ như chú trọng logistics, khơi thông vấn đề tài chính, thanh toán quốc tế… để phục vụ tốt cho sản xuất, xuất khẩu.

Bà Phùng Thị Lan Phương, Trung tâm WTO-Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng nông nghiệp từ trước đến nay vẫn được cho là trụ đỡ của nền kinh tế. Nhưng nhiều năm trở lại đây, nhiều ngành hàng nông nghiệp đã gặp muôn vàn khó khăn, lại thiếu sự quan tâm đúng mức. Chính phủ cũng có những chính sách ưu đãi hơn đối với lĩnh vực này, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khuyến khích DN tăng đầu tư.

QUANG HUY

 

Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT):

Israel quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam

Hiện nay, Israel đang phối hợp với Tập đoàn Trung Nguyên triển khai một số dự án nông nghiệp công nghệ cao. Đáng chú ý là dự án hệ thống tưới tiêu cho cây cà phê được áp dụng các công nghệ của Israel để tìm những nguồn nước thay thế như nước tái chế, khử mặn. Đặc biệt là việc tạo nguồn nước bằng độ ẩm trong không khí thông qua công nghệ “đám mây nhân tạo” mà Israel đã rất thành công. Ngoài ra, Israel đang phối hợp với TP.HCM tiến hành dự án chăn nuôi và khai thác bò sữa công nghệ cao, cải thiện năng suất cho sữa lên tới 20 lần so với cách chăn nuôi hiện tại ở nước ta. Chính phủ hai nước cũng đang bàn bạc lập một quỹ nghiên cứu chung cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Thông qua quỹ này, Israel sẽ cử các chuyên gia của nông nghiệp sang làm việc cụ thể từng dự án, sau đó sản xuất thử và tìm hiểu xem chất lượng như thế nào để có sự nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới