Năm 2021, công an Việt Nam sẽ tham gia gìn giữ hòa bình ở LHQ

Chiều 24-10, tại phiên họp trực tuyến của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ).

quoc-hoi-ngo-xuan-lich

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết. Ảnh: quochoi.vn

Trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết, từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 172 lượt cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Quốc phòng đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại các Phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Cục hoạt động hoà bình tại Trụ sở LHQ.

Hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai lực lượng công binh thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ. Lực lượng tham gia của Việt Nam đã và đang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, đồng tình ủng hộ và LHQ cùng cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Cùng với đó, thực hiện Đề án Công an nhân dân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ giai đoạn 2014 - 2020 và những năm tiếp theo, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công an tích cực đào tạo, huấn luyện cán bộ theo các tiêu chuẩn của LHQ nhằm chuẩn bị lực lượng.

Thời gian tới, dự kiến thành lập Văn phòng Thường trực về Công an nhân dân Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ theo hình thức kiêm nhiệm. Từ đó, phấn đấu cử cán bộ, sĩ quan công an nhân dân đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại các phái bộ của LHQ từ năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch khẳng định, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã và đang thúc đẩy, tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước. Góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế, đóng góp vào sự thành công của Việt Nam trong việc ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021.

Tuy nhiên, việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ là một nhiệm vụ mới, hiện nay chưa được thể chế hoá bằng các văn bản pháp luật. Do vậy, quá trình triển khai tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đã và đang phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, nhất là về cơ sở pháp lý.

quoc-hoi

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, tỉnh Bình Định tham gia thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Tham gia thảo luận về dự thảo Nghị quyết, đại biểu Tô Văn Tám, tỉnh Kon Tum cho rằng việc tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình LHQ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này là đúng đắn và cần thiết.

“Tham gia giữ gìn hòa bình của LHQ là hiện thực hóa đường lối hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng của Đảng và Nhà nước ta. Qua đó khẳng định vai trò, trách nhiệm, uy tín, vị thế của nước ta trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới, góp phần bảo vệ hòa bình, bền vững cho đất nước” – đại biểu Tám nói. 

Đại biểu Lý Tiết Hạnh, tỉnh Bình Định cũng bày tỏ đồng tình cao với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ.

Đại biểu Hạnh đề nghị Chính phủ, Quốc hội cân nhắc thận trọng trong xác định việc tham gia của lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

“Tôi thấy rằng trước những diễn biến khó lường, bất ổn, bất định của thế giới, những thách thức mới, tình huống mới đối với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, sẽ làm nảy sinh những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với các hoạt động của lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ” – đại biểu Hạnh nói.

Theo đại biểu Hạnh, việc tham gia của Việt Nam vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ cần thực sự chủ động, hiệu quả, khẳng định được vị thế và trách nhiệm của Việt Nam.

 

Lực lượng tham gia Liên Hợp Quốc trong điều kiện khó khăn, rủi ro

Giải trình một số câu hỏi được các đại biểu nêu tại hội trường đối với dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hội đồng Quốc phòng, an ninh quyết định, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước và quản lý Nhà nước của Chính phủ.

Theo dự thảo Nghị quyết, có hai hình thức tham gia gồm đơn vị và cá nhân. Đối với hình thức đơn vị, Việt Nam đã cử hai lượt bệnh viện dã chiến cấp II với 126 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia. Đối với hình thức cá nhân, Việt Nam gửi 50 lượt sĩ quan tham gia tại hai phái bộ là Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Trụ sở LHQ.

Dự thảo Nghị quyết quy định các lĩnh vực tham gia gồm tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, công binh, quân y, cảnh sát. Đây là những lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện, khả năng và nguồn lực để tham gia.

Hiện nay LHQ đang tiếp tục đề nghị Việt Nam cử thêm lực lượng và mở rộng ra sang các lĩnh vực: công binh, cảnh sát, quan sát viên, giám sát bầu cử.

Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho biết, hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ luôn ở trong môi trường điều kiện làm việc đặc biệt khó khăn, gian khổ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an ninh, an toàn. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết quy định lực lượng trực tiếp và gián tiếp tham gia này được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh, từ trần... trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét, giải quyết chế độ chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và của LHQ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm