Năm 2024, có 3 trường hợp tòa sơ thẩm tuyên không phạm tội

(PLO)- Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết năm 2024 có 3 trường hợp tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên không phạm tội, hiện VKS đã kháng nghị phúc thẩm theo hướng có tội đối với các bị cáo này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến vừa có báo cáo công tác năm 2024 gửi tới Quốc hội.

Báo cáo nhận định năm 2024, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị cơ bản được bảo đảm; tuy nhiên tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với cùng kỳ năm 2023.

Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp khởi tố mới tăng gần 25%

“Tiếp tục phát sinh nhiều loại tội phạm với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin…” - Viện trưởng VKSND Tối cao nêu và đánh giá tội phạm liên quan đến nhiều lĩnh vực: đấu thầu, đất đai, tài chính, ngân hàng, giáo dục, xăng dầu, khai thác tài nguyên...

Vien-truong-VKSND-Toi-cao-Nguyen-Huy-Tien.jpg
Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến. Ảnh: PHẠM THẮNG

Theo Viện trưởng VKSND Tối cao, số vụ tội phạm tham nhũng, chức vụ đã khởi tố mới 1.027 vụ (tăng trên 17%). Các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện, khởi tố, điều tra nhiều vụ án lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp.

“Nhiều vụ liên quan đến các bộ, ngành, địa phương, có sự cấu kết chặt chẽ, tinh vi giữa cán bộ Nhà nước với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực quản lý đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, kinh doanh điện, xăng dầu” - theo ông Nguyễn Huy Tiến.

Báo cáo dẫn điển hình là vụ Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Buôn lậu xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị có liên quan.

Hay vụ Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.

Vụ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành phố cũng được báo cáo điểm tên.

Ngoài ra còn có vụ Vụ Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil…

Một con số đáng chú ý khác cũng được đề cập tại báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao: Tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp khởi tố mới 76 vụ (tăng gần 25%). Trong đó, chủ yếu liên quan các hành vi nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản...

Báo cáo dẫn chứng vụ Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan CSĐT Công an TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã nhận hối lộ 1,3 tỉ đồng giúp các bị can tại ngoại. Hay vụ Nguyễn Văn Bi, Chấp hành viên Cục THADS tỉnh An Giang, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã thu tiền của người phải thi hành án nhưng chiếm đoạt 608 triệu đồng...

“Nguyên nhân một số loại tội phạm mới khởi tố tăng là do ảnh hưởng tình hình kinh tế xã hội có nhiều khó khăn đã tác động tiêu cực, dẫn đến gia tăng nhiều loại tội phạm” - báo cáo nêu.

Cạnh đó, theo Viện trưởng VKSND Tối cao, công tác quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ, tạo kẽ hở để một số cán bộ lợi dụng phạm tội; sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân…

Mặt khác, công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm của các cơ quan chức năng được đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả hơn; đặc biệt là nhiều tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ được phát hiện điều tra, xử lý.

Đề nghị giao bổ sung biên chế chức danh kiểm sát viên

Tại báo cáo gửi tới Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến nêu nhiều kiến nghị đáng chú ý. Đáng chú ý, Viện trưởng VKSND Tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung chức danh Kiểm sát viên các ngạch, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn Kiểm sát viên sơ cấp thực hiện nhiệm vụ trong chỉ tiêu biên chế đã được giao.

Lý giải cho đề xuất này, ông Nguyễn Huy Tiến cho rằng tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án, vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật tăng nhanh so với trước đây với nhiều tội phạm mới có tính chất phức tạp hơn. Cụ thể, trung bình lĩnh vực hình sự tăng khoảng 10%/ năm; lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại tăng khoảng 10%-12%/năm, có năm tăng 15%/năm.

Cạnh đó, ngành KSND thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ mới theo quy định của luật, khối lượng công việc tăng lên nhiều; cùng với yêu cầu về pháp luật và kỷ luật ngày càng cao nên ngành phải đối mặt với nhiều áp lực trong tình trạng thiếu biên chế, thiếu chức danh tư pháp (Kiểm sát viên các cấp) là chức danh bắt buộc phải có để thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, Viện trưởng VKSND Tối cao cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban ngành nghiên cứu, tổng hợp các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến các loại tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để phát hiện khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước trong mọi lĩnh vực...

Từ đó, xây dựng Chương trình tổng thể về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm cho các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp thực hiện tăng cường hợp tác quốc tế để phối hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm công nghệ cao nói riêng.

Ông Nguyễn Huy Tiến cũng đề nghị Quốc hội chỉ đạo việc thực hiện liên thông dữ liệu án hình sự giữa Công an, Viện kiểm sát, Toà án; cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị kỹ thuật và thuê dịch vụ phần mềm, đường truyền để thực hiện có hiệu quả. Việc này có thể xem xét thực hiện thí điểm tại một số địa phương trước khi triển khai chính thức.

Vẫn còn nhiều trường hợp tòa án và VKS chưa thống nhất quan điểm

Tự đánh giá về hạn chế của ngành kiểm sát, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết năm 2024 có 3 trường hợp tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên không phạm tội.

Ông Nguyễn Huy Tiến lý giải nguyên nhân do “nhận thức, áp dụng pháp luật chưa thống nhất giữa Tòa án và VKS”.

“VKS đã có kháng nghị phúc thẩm theo hướng có tội đối với các bị cáo. Hiện các trường hợp trên đang chờ xét xử phúc thẩm” - ông Tiến thông tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm