Dự kiến ngày 13-9, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2024 của Viện trưởng VKSND Tối cao.
Nhiều áp lực trong tình trạng thiếu biên chế
Tại báo cáo gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao cho hay tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án, vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật tăng nhanh, với nhiều tội phạm mới có tình chất phức tạp hơn.
Thống kê cho thấy trung bình lĩnh vực hình sự tăng khoảng 10%/năm; lĩnh vực hành chính, dân sự, kinh doanh thương mại tăng khoảng 10%-12%/năm, có năm tăng 15%/năm.
Trong khi đó, ngành kiểm sát thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ mới theo quy định của luật, khối lượng công việc tăng lên nhiều; yêu cầu về pháp luật và kỷ luật ngày càng cao.
“Ngành phải đối mặt với nhiều áp lực trong tình trạng thiếu biên chế, thiếu chức danh tư pháp - kiểm sát viên các cấp là chức danh bắt buộc phải có để thực hiện nhiệm vụ” - báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao nêu.
Cũng theo người đứng đầu ngành kiểm sát, thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế, trong 10 năm (2011-2022), biên chế của ngành KSND không tăng; đến năm 2022 mới được phân bổ lại số biên chế bị cắt giảm.
Từ thực tế trên, VKSND Tối cao đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giao bổ sung 2.006 chức danh kiểm sát viên các ngạch, gồm 766 kiểm sát viên sơ cấp cho VKSND cấp huyện và 1.240 kiểm sát viên trung cấp.
Trong số 1.240 kiểm sát viên trung cấp, có 441 biên chế cho VKSND cấp tỉnh và 799 biên chế cho Phó Viện trưởng Viện KSND cấp huyện để tương đồng giữa chức vụ và chức danh, tạo điều kiện thuận lợi trong lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn kiểm sát viên sơ cấp thực hiện nhiệm vụ.
Đáng chú ý, Viện trưởng VKSND Tối cao đánh giá chính sách với ngành KSND đang còn bất cập. Cụ thể, cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ với môi trường, tính chất công việc về cơ bản là như nhau nhưng chế độ, chính sách của kiểm sát viên các cấp, điều tra viên của Cơ quan điều tra VKSND Tối cao lại khác biệt, chênh lệch khá lớn so với các điều tra viên ở ngành công an, quân đội.
“Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét giao cơ quan có liên quan phối hợp với VKSND Tối cao nghiên cứu cơ chế phân bổ ngân sách theo hướng căn cứ nhiệm vụ và khối lượng công việc thực hiện để giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của ngành KSND” - báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao nêu.
Khởi tố điều tra 7 công chức ngành kiểm sát về tội Nhận hối lộ
Báo cáo khẳng định ngành KSND đã tăng cường kiểm sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, nhiệm vụ, chủ động hơn trong công tác tự kiểm tra, thanh tra.
“Công tác thanh tra được coi là một trong những biện pháp quan trọng trong quản lý, điều hành của người đứng đầu nhằm kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị” - theo lãnh đạo VKSND Tối cao.
Viện trưởng VKSND Tối cao cũng khẳng định đã chỉ đạo người đứng đầu các cấp kiểm sát chủ động phát hiện sai phạm của cán bộ, xử lý nghiêm để làm gương, đồng thời nghiêm cấm báo che hoặc bỏ qua vì thành tích thi đua của đơn vị.
Theo đó, ngành kiểm sát đã phát hiện một số vi phạm, thiết sót của công chức, kiểm sát viên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ như một số vụ án phải rút một phần quyết định truy tố…
Đáng chú ý, cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố điều tra 3 vụ với 7 bị can là công chức ngành kiểm sát về tội Nhận hối lộ.
Cùng với xử nghiêm vi phạm, Viện trưởng VKSND Tối cao yêu cầu người đứng đầu các cấp kiểm sát tạo môi trường, điều kiện để cán bộ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trong kỳ báo cáo, VKSND Tối cao đã trình và được Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm 5 kiểm sát viên VKSND Tối cao.
Viện trưởng VKSND Tối cao đã quyết định điều động, bổ nhiệm với 260 cán bộ tại VKSND các cấp, gồm: 2 vụ trưởng và tương đương, 2 phó vụ trưởng và tương đương, 1 Viện trưởng VKSND cấp cao, 1 Phó Viện trưởng VKSND cấp cao và 6 Viện trưởng VKSND cấp tỉnh…