Phiên tòa giả định sáng 10-4 về chủ đề “Xâm hại tình dục đối với trẻ em” do Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM và Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM) tổ chức thu hút sự quan tâm của hàng ngàn học sinh và phụ huynh của trường.
Mẹ chủ quan, con thành nạn nhân
Tình huống giả định đặt ra là anh Ngô Văn Đại là bạn của chị Nguyễn Thị Tuyết. Chị Tuyết là mẹ của cháu Huỳnh Bảo Ngọc (sinh ngày 10-1-2004). Khoảng 13 giờ ngày 24-9-2016, anh Đại đến nhà chị Tuyết và xin phép chị Tuyết đưa cháu Ngọc đi chơi. Sau đó, vì bạn bè rủ đi nhậu nên anh Đại chở luôn bé Ngọc đến quán nhậu chơi đến 23 giờ cùng ngày. Vì đã quá khuya nên Đại chở cháu về nhà mình luôn. Đại và cháu Ngọc cùng nằm ngủ trên nền đất, Đại nằm kế bên ôm cháu Ngọc. Đến khoảng gần sáng, Đại tỉnh giấc và lấy tay sờ khắp người cháu Ngọc, sau đó Đại ngủ cho đến sáng rồi thức dậy chở Ngọc về nhà.
Sự việc bị phát hiện khi cháu Ngọc kể lại cho mẹ và chị Tuyết báo công an phường.
Tại tòa, viện kiểm sát đã đề nghị xử phạt bị cáo từ hai năm sáu tháng đến ba năm tù về tội dâm ô đối với trẻ em.
Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên bị cáo Đại với mức án hai năm sáu tháng tù. Đồng thời, phải bồi thường thiệt hại 30 triệu đồng theo đề nghị của gia đình người bị hại và nộp án phí hình sự sơ thẩm là 1,5 triệu đồng.
Tình huống trên được xem là một sự việc rất dễ gặp trong đời sống hằng ngày khi phụ huynh thiếu cảnh giác và quan tâm đến con cái. Vì thế, trong quá trình xét xử, chủ tọa phiên tòa liên tục nhấn mạnh: “Phiên tòa hôm nay cũng cần phê phán trách nhiệm của cha mẹ bị hại về việc thiếu quan tâm, hướng dẫn, giáo dục giới tính cho con. Để con gái đi chơi và qua đêm với người khác giới không cùng huyết thống mà không lo lắng hay hỏi han gì là quá vô tâm. Chính sự dễ dãi, chủ quan của mẹ đã đưa con mình trở thành nạn nhân của vụ án”.
Học sinh mạnh dạn bày tỏ thắc mắc về “xâm hại tình dục với trẻ em” với các luật sư tại phiên tòa giả định. Ảnh: PHẠM ANH
Trẻ bị xâm hại, phụ huynh có phải chịu trách nhiệm?
Sau khi phiên tòa giả định kết thúc, rất nhiều câu hỏi được các em đặt ra để ban tổ chức trả lời.
Em Nguyễn Lê Khanh, lớp 9A2, đặt câu hỏi: “Nếu cả nạn nhân và người phạm tội dâm ô đều nhỏ tuổi thì sẽ xử lý thế nào?”. Luật sư Trương Thị Hòa trả lời người đã thành niên có hành vi dâm ô với trẻ em mới bị tội dâm ô, còn người chưa thành niên không bị kết tội nhưng sẽ có những biện pháp giáo dục, giáo dưỡng đối với người đó.
Em Lê Thế Hưng, cũng lớp 9A2, hỏi: “Tình huống xâm hại tình dục với trẻ em xảy ra nhưng nếu nạn nhân tự nguyện thì có bị phạm tội không?”. Hay như em khác hỏi rằng: “Nếu người xâm hại và người bị xâm hại cùng huyết thống thì sẽ bị xử lý thế nào?”.
Luật sư Hòa trả lời Bộ luật Hình sự đã quy định rõ trong các vụ dâm ô hay xâm hại tình dục với trẻ em, nạn nhân dù tự nguyện hay không cũng bị xử lý nghiêm như nhau. Về huyết thống, trong dâm ô trẻ em, theo quy định pháp luật hiện nay không phân biệt có huyết thống hay không, còn nếu giao cấu thì sẽ khác.
Một học sinh thắc mắc: “Nắm tay và ôm hôn nhau có bị coi là xâm hại tình dục không?”. Về vấn đề này, luật sư Hòa trả lời: “Chắc chắn đó không phải là hành vi xâm hại tình dục. Tuy nhiên, từ cái nắm tay, hôn nhau đó nếu để dẫn tới chuyện đó thì lại khác vì còn tùy ở mức độ như thế nào. Vì thế, các em phải biết như thế nào là tình thương yêu và như thế nào là lợi dụng tình thương yêu để xâm hại tình dục”.
“Qua đây chúng tôi cũng nhắn nhủ rằng các em đừng vì một sự giận dỗi hay buồn chán nào đó mà bỏ gia đình sống lang thang vì sẽ có nguy cơ bị xâm hại rất lớn, kể cả em trai hay em gái và hậu quả cũng sẽ rất nặng nề” - luật sư Hòa lưu ý.
Khi gặp bất trắc, hãy gọi 18009069 Luật sư Trần Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em, cũng hướng dẫn các học sinh ghi nhớ số điện thoại đường dây nóng can thiệp và trợ giúp trẻ em bị xâm hại, bạo lực: Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069; Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM: 19545559. _________________________________ Hãy mạnh dạn lên tiếng Qua những câu hỏi của các em cho thấy dù mới học lớp 8, 9 nhưng các em rất chú ý đến tình hình thời sự liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em hiện nay. Các em biết các kiến thức về pháp luật của vấn đề này, thậm chí có em tìm hiểu cả ở nước ngoài xử lý thế nào về hành vi này. Tuy nhiên, điều các em chưa biết là biện pháp để bảo vệ mình. Vì thế, những phiên tòa này sẽ tác động lây lan, giúp giáo dục cho các em ý thức bảo vệ cơ thể mình như thế nào. Đồng thời giúp các em hiểu các kiến thức như người phạm tội bị xử lý thế nào, các em phải làm gì khi gặp hành vi xâm phạm, các em được pháp luật bảo vệ như thế nào... Ngoài ra, chúng ta phải đặc biệt tuyên truyền để học sinh và phụ huynh vượt qua rào cản xấu hổ và rào cản tâm lý mạnh dạn lên tiếng để được pháp luật bảo vệ cũng như tố giác tội phạm ra pháp luật. Luật sư TRƯƠNG THỊ HÒA |