Nam thanh niên bị thanh sắt đâm xuyên cổ vẫn tỉnh táo

Chiều 12-3, các bác sĩ Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho biết vừa phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân HLTT (29 tuổi, quê Phú Yên) bị tai nạn thanh sắt dài 30 cm đâm xuyên qua cổ.

Theo lời kể của đồng nghiệp, anh T. đang sửa máy lạnh thì trượt chân té trên cao xuống, trên tay đang cầm một thanh sắt nên bị thanh sắt đâm xuyên cổ.

Nam thanh niên bị thanh sắt đâm xuyên cổ sức khỏe đã ổn định. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân được đồng nghiệp đưa vào BV Nhân dân Gia Định lúc 10 giờ 40 phút sáng 11-3 với tình trạng tỉnh táo, không nói được, thanh sắt đâm xuyên qua cổ từ phải qua trái. Bệnh hân nhanh chóng được sơ cứu và xử trí cấp cứu, hội chẩn đa chuyên khoa  gồm Ngoại lồng ngực mạch máu, Ngoại Tổng quát, Ngoại Thần kinh, Tai mũi họng.

Kết quả chụp CT-scan ghi nhận vị trí thanh sắt đâm xuyên qua có khả năng tổn thương mạch máu, khí quản, thực quản. Các bác sĩ đã hội chẩn mổ khẩn để xử lý vết thương cho bệnh nhân.

Trong cuộc mổ, các bác sĩ tiên lượng vị trí thanh sắt xuyên cổ từ phải qua trái, từ sau ra phía trước nên khả năng sẽ có nhiều thương tổn nguy hiểm khi phẫu thuật rút thanh sắt ra. Do vậy, các bác sĩ đã bàn bạc rất kỹ cách thức mổ để giữ đầu bệnh nhân ở vị trí cố định trong khi rút thanh sắt ra, đảm bảo kiểm soát các mạch máu quan trọng xung quanh vị trí chọc thủng của thanh sắt

Ca phẫu thuật đã kéo dài hơn 2 tiếng, may mắn là đường đi của thanh sắt xuyên qua sau tĩnh mạch và trước động mạch cảnh. Khi rút thanh sắt ra, có một mảnh vải dính ở đầu thanh sắt nên chỉ làm xoắn vặn và chèn ép mạch máu.

Bên cạnh đó, với thao tác kỹ thuật chính xác của ê kíp phẫu thuật, việc rút thanh sắt ra cũng không làm rách các mạch máu xung quanh. Các bác sĩ xác định bệnh nhân chỉ bị tổn thương thực quản và tiến hành khâu thực quản, đặt ống thông vào dạ dày để nuôi ăn.

Dự kiến, bệnh nhân có thể ra viện trong vài ngày tới.

Các bác sĩ khuyến cáo để tránh những tai nạn lao động đáng tiếc, người lao động cần trang bị các phương tiện bảo hộ cần thiết và tuân thủ các quy định về an toàn lao động. Khi chứng kiến người bị tai nạn lao động, những người xung quanh cần bình tĩnh, sơ cứu đúng cách, cố định dị vật và không nên cố gắng rút các dị vật ra khỏi vết thương, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm