Một ngày sau khi Hamas tấn công Israel vào tháng 10-2023, anh Adi Hazan lái xe đến một điểm tập kết ở miền nam Israel và bắt đầu tham gia nghĩa vụ quân sự khẩn cấp. Khi ấy, anh chỉ nghĩ nhiệm vụ tham gia chiến đấu trong hàng ngũ quân dự bị kéo dài tối đa 2 tháng.
Tuy nhiên, gần 10 tháng sau, anh vẫn chưa được về nhà và phần đời còn lại của anh dường như đang trong cảnh hỗn loạn. Công việc kinh doanh xây dựng của anh đang đi xuống, anh đang chìm trong nợ nần và gia đình anh phải dựa vào tiền giúp đỡ của bạn bè và các tổ chức từ thiện, theo tờ The Wall Street Journal.
"Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Không ai nghĩ tình hình này sẽ kéo dài lâu như vậy" – anh nói.
Là một quốc gia với dân số chưa đến 10 triệu người, Israel phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng quân dự bị như anh Hazan để duy trì hoạt động quân sự trong thời kỳ khủng hoảng.
Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Gaza đang bước sang tháng thứ 11 và các cuộc giao tranh giữa Israel với nhóm vũ trang Hezbollah đang nóng lên, nhiều thanh niên trong lực lượng quân dự bị đang đi đến thế cùng cực. Họ kiệt sức, thậm chí là mất tinh thần, phải vật lộn để cân bằng giữa gia đình, công việc với nghĩa vụ quân sự, trong khi thiệt hại kinh tế gia đình ngày càng tăng.
Áp lực lên lực lượng quân sự là một lý do khiến các quan chức Israel ngần ngại không phát động cuộc chiến toàn diện với Hezbollah.
"Israel đã không chuẩn bị cho một cuộc chiến dài. Chúng tôi đã nghĩ đến một cuộc tấn công lớn của không quân và sau đó là một cuộc điều động nhanh chóng lực lượng bộ binh. Thời gian càng dài, việc duy trì sự hỗ trợ và sự sẵn sàng của các lực lượng chiến đấu càng trở nên khó khăn hơn' - theo ông Yaakov Amidror, cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Israel.
Sự phụ thuộc lớn vào lực lượng quân dự bị
Trong lịch sử, Israel luôn giành được ưu thế trong những cuộc xung đột ngắn, chủ yếu dựa vào lực lượng quân dự bị và công nghệ quân sự tiên tiến của Israel. Theo The Wall Street Journal, Israel từng đánh thắng 4 đội quân Ả Rập trong sáu ngày vào năm 1967. Năm 1973, Israel chỉ cần chưa đầy 3 tuần để đẩy lùi các cuộc tấn công của Ai Cập và Syria.
Lần này thì khác. Các lực lượng thân Iran hiện phân bố tại các khu vực gần lãnh thổ Israel. Hamas và Hezbollah có hệ thống tên lửa mạnh, hàng chục ngàn thành viên được huấn luyện và cơ sở hạ tầng vững chắc, bao gồm mạng lưới đường hầm.
Phía Israel cho biết cuộc xung đột tại Gaza đang chuyển sang giai đoạn cường độ thấp hơn, nhưng các chuyên gia cho rằng trong thời gian tới dải đất này có thể sa lầy trong bạo lực và bất ổn. Ngay cả khi Israel đạt được thỏa thuận ngừng bắn với Hamas, họ cũng phải đối mặt nguy cơ xảy ra xung đột toàn diện với Hezbollah ở biên giới Israel-Lebanon.
Trước tình hình đó, lực lượng Israel sẽ đối mặt tình trạng căng thẳng nếu cuộc xung đột toàn diện với Hezbollah nổ ra. Theo đó, các nhà phân tích an ninh cho biết số lượng quân dự bị được triển khai trong thời gian gần đây đã giảm đáng kể.
Vào thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến ở Gaza, khoảng hai phần ba sức mạnh chiến đấu của Israel phụ thuộc quân dự bị. Các nhà phân tích an ninh ước tính, vào thời điểm đó, lực lượng quân dự bị là khoảng 300.000 quân, gấp đôi so với quân thường trực là khoảng 150.000 người.
Bài toán khó có lời giải
Theo luật Israel, nước này yêu cầu tất cả người Do Thái phải phục vụ trong quân đội, thường là sau khi hoàn thành chương trình trung học. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa đến một nửa số người Israel trong độ tuổi nhập ngũ tham gia nghĩa vụ quân sự. Nhiều người Do Thái được miễn nghĩa vụ quân sự vì lý do gia đình hoặc tôn giáo. Ngoài ra, một số nhóm thiểu số người Ả Rập cũng được miễn tham gia nghĩa vụ quân sự.
Không giống như quân nhân thường trực, quân dự bị là công dân bình thường có việc làm và sống với gia đình. Đến nay, nhiều quân nhân dự bị đã phải đóng cửa doanh nghiệp của họ. Gần 150.000 người đã nghỉ làm, bao gồm nhiều người làm trong những lĩnh vực công nghệ quan trọng của Israel.
Anh Assaf Mor là một trong số những người này. Anh được gọi nhập ngũ vào ngày 7-10-2023 và phục vụ trong lực lượng Israel 100 ngày. Trong thời gian này, phòng khám của anh đã cạn kiệt tiền mặt, đứng trước bờ vực phá sản.
Trong thời gian phục vụ, vào buổi tối, anh Mor có nhiệm vụ vận chuyển hậu cần vào Gaza. Vào buổi sáng, anh thường mở máy tính xách tay tại ngay tại nơi đóng quân và điều hành phòng khám. Việc cân bằng cả hai nhiệm vụ này đôi lúc khiến anh kiệt sức.
Vào tháng 4, Lực lượng Phòng vệ Israel gọi anh Mor nhập ngũ một lần nữa nhưng anh từ chối. Anh cho biết mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ở nhà và kiếm tiền nuôi sống gia đình.
"Thật không thể chịu đựng được. Đây là một trong những cuộc khủng hoảng khó khăn nhất mà tôi từng trải qua trong đời" – anh nói.
Trước tình hình này, Ngân hàng Trung ương Israel dự báo nền kinh tế nước này sẽ chỉ tăng trưởng 1,5% vào năm 2024. Theo Ngân hàng Trung ương Israel, tăng trưởng sẽ phục hồi lên 4,2% vào năm 2025, trong trường hợp xung đột tại Gaza kết thúc vào đầu năm 2025.
Các nhà lập pháp Israel đang tìm cách giải quyết vấn đề cân bằng giữa số quân nhân phục vụ trong quân đội và số nhân lực cần thiết để phát triển đất nước. Tuy nhiên, đến nay, giải pháp vẫn chưa được thống nhất.
Trong lúc đó, nhiều người như anh Adi Hazan đối mặt với bài toán kinh tế dường như không có lời giải. Doanh nghiệp của anh đã đóng cửa và anh cho biết đang nợ 250.000 USD.
“Tôi cảm thấy mọi thứ đang sụp đổ. Cuối cùng, tôi cũng cần phải giải quyết cuộc sống. Tôi không phải là một quân nhân thường trực. Tôi là một người lính cần nuôi sống gia đình” – anh Hazan nói.