GIẢM TẢI CHO BỆNH VIỆN TUYẾN TRÊN - BÀI 2

Nâng chất lượng bền vững cho tuyến dưới

TS-BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói nâng cao chất lượng cho tuyến dưới (bệnh viện tuyến quận/huyện) là giải pháp giảm tải căn cơ và lâu dài nhất.

Nâng cao năng lực BV quận, huyện

. Thưa ông, hiện ngành y tế TP.HCM đã và đang triển khai các giải pháp nào để giảm tải cho các bệnh viện (BV) tuyến TP?

+ TS-BS Tăng Chí Thượng: TP.HCM đang thực hiện đồng bộ năm giải pháp giảm tải. Đó là nâng cao năng lực cho các BV tuyến quận/huyện; nâng cao năng lực cho các BV các tỉnh phía Nam; tăng giường bệnh cho BV TP; đăng ký không nằm ghép và cuối cùng là phân tuyến điều trị. Năm giải pháp này đòi hỏi tính liên tục và dài hơi. Tuy nhiên, trước mắt qua khảo sát cho thấy một giải pháp đã phát huy tác dụng mặc dù chưa có những con số rõ nét, đó là nâng cao năng lực cho các BV quận/huyện.

Ba đến năm năm về trước, công suất giường bệnh quận/huyện chỉ đạt 50%-60%, trong khi đó các BV TP công suất đạt từ 110% đến 130%. Tình trạng chỗ thừa, chỗ thiếu như vậy đặt ra vấn đề là làm sao đưa người bệnh về tuyến quận/huyện. Muốn làm vậy thì phải nâng cao năng lực BV quận/huyện. Thứ nhất là tổ chức xếp hạng BV. Việc xếp hạng sẽ kích thích sự nỗ lực của BV quận/huyện, vì muốn lên hạng phải đạt tiêu chí về hạ tầng cơ sở, giường bệnh, nhân lực, chuyên môn kỹ thuật. Sau năm năm đánh giá, đến nay đã có tám BV từ hạng ba lên hạng hai và đặc biệt có một BV quận được xếp hạng một - BV quận Thủ Đức. Tiếp đến là đề án khoa vệ tinh và chuyển giao kỹ thuật của các BV TP triển khai cho các BV quận/huyện.


Quá tải BV làm giảm chất lượng điều trị bệnh. Ảnh: TÙNG SƠN

Bước đầu việc làm này đã có hiệu quả, tạo niềm tin và thu hút bệnh nhân. Rõ nét là BV quận Bình Tân. Trước đây khoa Nhi của BV này có 1-2 ca trên số giường bệnh hơn 30. Sau một thời gian BV Nhi đồng 1 xuống xây dựng khoa vệ tinh và chuyển giao kỹ thuật thì nay BV đã có 150 giường nhi và công suất lúc nào cũng gần 100%. Trước đây bệnh sốt xuất huyết độ ba thì phải chuyển, bệnh tay-chân-miệng chẩn đoán không ra…, nay họ đã làm được. Gần như 80% bệnh phổ biến trên trẻ em nơi này đã làm được và người dân Bình Tân rất phấn khởi.

Điều đáng nói, BV quận/huyện điều trị chủ yếu là dân TP, như vậy nó giảm tải hiệu quả cho tuyến trên.

. Hiệu quả đó tác động đến tuyến trên như thế nào?

+ Về lý thuyết, tuyến trên chắc chắn giảm tải nhưng về tổng thể vẫn còn quá tải vì người dân ở tỉnh chiếm 40%-50% khám, chữa bệnh ở các BV TP. Do vậy, bài toán dài hơi thứ hai là nâng cao năng lực cho các BV các tỉnh phía Nam. Bộ đã triển khai đề án BV vệ tinh và các BV TP cũng đã xuống chuyển giao kỹ thuật cho nhiều BV tỉnh.

Tăng 2.000 giường bệnh tiêu chuẩn quốc tế

. Giải pháp tăng giường bệnh trong điều kiện quỹ đất TP.HCM hạn hẹp liệu có khó khăn khi triển khai?

+ Tăng giường bệnh là giải pháp gần như bắt buộc. Tuy nhiên, TP.HCM có khó khăn là khâu đền bù, giải tỏa rất phức tạp. Nhưng nói gì thì nói 1.000 giường trẻ em và 1.000 giường ung bướu tiêu chuẩn quốc tế có trong hai năm tới là gần như chắc chắn. BV quận, huyện như Gò Vấp, Bình Chánh… cũng đã khởi công xây dựng. Các dự án trọng điểm như BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi đang được xúc tiến để trình UBND TP phê duyệt.

. Thưa ông, dư luận cho rằng trong điều kiện quá tải BV thì việc kêu gọi các BV đăng ký không có bệnh nhân nằm ghép là để… cho vui?

+ Việc đăng ký không nằm ghép là chủ trương đúng của Bộ Y tế. Nhưng phải hiểu nghĩa “không nằm ghép” sâu rộng hơn, nó mang nội hàm giảm tải, là một trong nhiều hoạt động giảm tải. Đây là chương trình kêu gọi các BV đang quá tải thực hiện trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Hiện đã có 19 BV của TP đăng ký, còn hai BV chưa dám đăng ký là BV Ung bướu và Chấn thương Chỉnh hình. Đây là hai BV đang quá tải và chờ xây dựng cơ sở mới. Tuy nhiên, khi đăng ký không nằm ghép, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị đính kèm kế hoạch tiến tới không nằm ghép chứ không phải đăng ký khơi khơi cho vui. Dựa vào kế hoạch đó, sắp tới Sở sẽ đi giám sát và góp ý.

. Theo ông, trong điều kiện chưa thể tăng ngay giường bệnh thì BV có thể làm gì để giảm nằm ghép?

+ Nội tại các BV phải rà soát lại mình trước. Thứ nhất, về điều trị, xem lại chỉ định nhập viện có đúng không. Hiện có một vài nơi chỉ định nhập viện rất dễ dàng mà đáng lẽ bệnh đó phải điều trị ngoại trú. Cần phải tăng năng lực điều trị ngoại trú của BV, đây là phương cách mà cả thế giới đang làm. Giảm nhập viện những ca không cần thiết cũng là giảm tốn kém cho người dân. Thứ hai là cải cách thủ tục hành chính, đó là rút ngắn thời gian làm thủ tục nhập viện, ra viện, xét nghiệm… Việc này thì nỗ lực BV tự làm, nếu làm được chắc chắn sẽ giảm tải hữu hiệu.

Phải coi bệnh nhân là khách hàng

. Các chuyên gia cho rằng phân tuyến điều trị chỉ là giải pháp giảm tải tạm vì hạn chế quyền chọn cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu của người dân. Ông có ý kiến gì?

+ Đây là một giải pháp vĩ mô của Bộ Y tế. Đến lúc người dân biết là bệnh A, B nào đó nếu lên tuyến trên thì BHYT sẽ không chi trả nên sẽ không vượt tuyến. Bên cạnh đó, BV tuyến dưới cũng phải biết tận dụng cơ hội này để tăng chất lượng nhằm tạo uy tín cho chính mình. Tuy nhiên, trong thời gian tới các BV sẽ tự chủ và ngân sách sẽ không cấp. Người có thẻ BHYT sẽ được khám và điều trị ở bất cứ BV nào. Đây là thách thức lớn đòi hỏi các BV phải tự chuyển mình. Nếu BV không cố gắng tạo niềm tin để người dân đến thì sẽ “chết” nhưng tôi hy vọng đó là số ít. Do vậy, sắp tới đây chúng ta sẽ chứng kiến cuộc khởi động dữ dội của các nhà quản lý BV để BV tồn tại.

. 40 năm thống nhất đất nước cũng là 40 năm thành lập ngành y tế TP.HCM, ông có thể nói những thành tựu và thách thức hiện nay của ngành không?

+ Mỗi giai đoạn có một thành tựu riêng, đáp ứng được yêu cầu lịch sử. Trong 10 năm trở lại đây, ngành y tế TP.HCM phát triển theo hướng chuyên sâu. Những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại mà thế giới đã làm được thì TP cũng đã làm chủ được. Trước đây một số bệnh không trị được, người dân phải ra nước ngoài thì nay đã làm được, người nước ngoài sang điều trị.

Vấn đề hiện nay ngành y tế đang quan tâm là phải thay đổi cách đối xử với bệnh nhân, xem họ là khách hàng. Bỏ ngay tư tưởng xin-cho, giảm ngay những việc gây bức xúc cho người bệnh như thiếu tư vấn, ít cười… tuy không nhiều nhưng gây ức chế lớn. Phải tăng làm hài lòng người bệnh.

. Xin cám ơn ông.

Bệnh nhân điều trị nội trú tại BV quận/huyện tăng nhanh

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM năm 2014, số lượt bệnh nhân đến BV quận/huyện khám, chữa bệnh tăng từ 6% đến 36% so với năm 2013 (tùy mỗi BV quận, huyện nhưng tăng nhiều nhất là BV quận Bình Tân). Trong đó, số lượt khám cho trẻ em dưới sáu tuổi cũng tăng từ 9% đến 35% (tăng nhiều nhất là BV quận 2).

Số bệnh nhân điều trị nội trú tại các BV quận/huyện tăng từ 5% lên đến 201% so với 2013. Trong đó, bệnh nhân khoa Nhi nội trú tăng 198% so với năm 2013 (BV quận Tân Phú).

Công suất sử dụng giường bệnh tuyến TP giảm dần

Các BV quận/huyện đã nỗ lực nâng cao chất lượng, thu hút bệnh nhân nhưng chủ yếu là bệnh nhân cư trú ở TP.HCM. Trong khi đó, bệnh nhân của các tỉnh về TP khám, chữa bệnh chiếm 40%-50% nên số lượng bệnh nhân khám, chữa bệnh ở các BV tuyến TP có giảm nhưng chưa nhiều. Dưới đây là số liệu công suất sử dụng giường bệnh tại vài BV tuyến TP:

Nâng chất lượng bền vững cho tuyến dưới ảnh 2

Tôi ủng hộ chủ trương không nằm ghép của Bộ Y tế. Nhưng đối với BV Ung bướu thì không thể giải quyết ngay. BV chỉ đăng ký bốn khoa không nằm ghép khi nào xây xong cơ sở hai. Đó là các khoa Phẫu thuật - Gây mê - Hồi sức; khoa Chăm sóc giảm nhẹ, khoa Nội ung bướu vệ tinh (quận 2) và khoa Ngoại 6 (bệnh lý tuyến giáp).

BS LÊ HOÀNG MINH, Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM

BV 115 không nằm ghép từ năm 2012 và là BV đăng ký không nằm ghép đầu tiên. Sở dĩ BV làm được như vậy là do thực hiện việc tăng cường điểm bệnh, bệnh nhẹ chỉ định ngoại trú, bệnh nặng điều trị ổn định chuyển về tuyến dưới, tuyến quận/huyện.

TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ,
Phó Giám đốc BV Nhân dân 115

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm