GIẢM TẢI CHO BỆNH VIỆN TUYẾN TRÊN - BÀI 1:

Bệnh viện tuyến dưới lên tiếng

Một ngày giữa tháng 4, chúng tôi được “mục sở thị” phòng mổ Bệnh viện (BV) quận Thủ Đức. Lần này là ca mổ thuộc loại kỹ thuật cao - mổ thoát vị đĩa đệm. Phòng mổ sạch và đẹp. BS-CKI Trương Long Vỹ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, làm phẫu thuật viên chính.

Ca phẫu thuật được dự đoán là rất khó khăn vì bệnh nhân ngoài thoát vị đĩa đệm thì còn bị xơ gan, cao huyết áp và nhiều bệnh lý khác. Điều đáng nói là ca mổ với hầu hết y, bác sĩ trong êkíp đều có tuổi đời rất trẻ, người nhỏ nhất mới 25 và lớn nhất 38 tuổi.

Ca mổ hoàn hảo

Theo bệnh án, bệnh nhân VVL (56 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) bị thoát vị đĩa đệm kèm gãy cột sống cũ. Ông vào BV quận Thủ Đức trong tình trạng đau lưng nhiều, đau nhức người, chân bước đi 30 m đã mệt. Ngoài ra bệnh nhân còn hẹp ống xương sống gây chèn áp thần kinh, tình trạng này thường xuất hiện ở người cao tuổi và lao động nặng. Theo BS Vỹ, lần phẫu thuật này bệnh nhân sẽ được mổ giải phóng đoạn hẹp, cắt bỏ đĩa đệm và thay mới, ghép xương tự thân, cố định bằng vít vào cột sống và hàn liên thân đốt.

Trước khi được gây mê, bệnh nhân VVL nói rằng mình bị đau lưng, đau người, tê chân mấy năm nay nhưng chưa đủ điều kiện đi chữa trị. Nay bị đau chịu không nổi nên ông quyết định chọn BV quận Thủ Đức để điều trị. Ông nghe nói nơi này mổ thoát vị đĩa đệm tốt như các BV lớn khác, sẵn gần nhà nên ông vào luôn.

Chúng tôi đã từng vào nhiều phòng mổ nhưng lần này nhìn kìm, vít, kìm động lực… để thực hiện cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm mà rợn da gà. Không chỉ đơn thuần là kỹ thuật mà các bác sĩ còn dùng cả sức khỏe mới có thể thao tác được. Nếu như phòng mổ không có máy lạnh thì có lẽ các bác sĩ phải đổ mồ hôi hột.

Sau hơn sáu tiếng đồng hồ, ca phẫu thuật hoàn tất. “Trước đây không dám nói chứ bây giờ những ca như thế này đã trở thành thường quy và mỗi năm BV gặp khá nhiều trường hợp như vậy. Từ cuối năm 2008, chúng tôi đã mổ ngoại thần kinh rồi” - BS Vỹ cho biết.

Với BV hạng I, việc mổ ngoại thần kinh không còn xa lạ nhưng với BV quận/huyện như BV quận Thủ Đức thì đây là bước đột phá ngoạn mục.

Bệnh nhân tin tưởng đến khám đông đúc tại BV quận 2. Ảnh: TÙNG SƠN

Ca mổ thoát vị đĩa đệm tại BV quận Thủ Đức. Ảnh: TÙNG SƠN

Tạo được niềm tin

Tại phòng chờ khám, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy lượng bệnh nhân đông không thua một BV tuyến trên. Rảo qua các khoa phòng, chúng tôi thấy có nhiều loại kỹ thuật điều trị cao thường chỉ BV hạng I mới làm được thì nay cũng có mặt ở đây.

Giải đáp thắc mắc của chúng tôi, BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, hé lộ: “BV quận Thủ Đức là BV quận/huyện hạng I đầu tiên và duy nhất của TP.HCM đó”. BS Quân cho biết ngay từ khi mới thành lập, BV đã chú trọng phát triển theo hướng đa chuyên khoa sâu. Trong đó phát triển các chuyên khoa kỹ thuật cao với đầy đủ các chuyên khoa là nhiệm vụ cốt lõi. Và từ đó đến nay BV đã thực hiện được nhiều loại kỹ thuật cao.

Từ đó bệnh nhân tin tưởng và tới BV ngày càng nhiều. BS Quân kể trước đây BV có quy mô chỉ 50 giường với khoảng 300 lượt khám/ngày, nay BV đã có 800 giường bệnh với trên dưới 3.600 lượt khám/ngày. Để đáp ứng nhu cầu bệnh nhân tăng vọt, đội ngũ nhân sự BV liên tục được bổ sung, đến nay lên gần 1.100 người. Trong đó có 256 bác sĩ và tám dược sĩ với nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đầu ngành có chuyên môn cao, đã đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân trên địa bàn và ở các vùng lân cận.

Rút ngắn thời gian chờ đợi

“Nhưng để tạo niềm tin trong lòng người thì không chỉ có kỹ thuật cao mà còn phải cải cách khâu hành chính một cách triệt để” - BS Quân nói. BV đã giảm được khá nhiều thời gian chờ đợi của người bệnh ở khâu đăng ký khám bệnh BHYT nhờ có in mã vạch, mở thêm nhiều bàn khám, tăng cường nhân sự cho khoa khám bệnh; rút ngắn thời gian chờ trả kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng với quy định thời gian trả kết quả rõ ràng, trang bị thêm nhiều máy móc, trang thiết bị có công suất cao… Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ở tất cả khâu khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, BV đã xây dựng mô hình cấp cứu tại nhà, tức thiết lập đường dây cấp cứu 24/24 giờ. Khi nhận được điện thoại từ bệnh nhân là nhân viên y tế sẽ đến tận nhà chăm sóc, nếu bệnh nặng thì chuyển về bệnh viện điều trị tiếp. Đồng thời xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân và gia đình họ.

Phát triển mô hình BV vệ tinh

Cùng với BV quận Thủ Đức, các BV tuyến quận/huyện khác như BV các quận 2, 8, Bình Tân, Gò Vấp… đang từng bước phát triển các kỹ thuật cao, tổ chức lại bộ máy và nâng cao tay nghề y, bác sĩ để giữ bệnh nhân không vượt tuyến lên trên. Đặc biệt là mô hình BV vệ tinh đã giúp các BV tuyến quận/huyện nâng cao được uy tín.

Án ngữ ở cửa ngõ phía tây TP.HCM, BV quận Bình Tân vài năm trở lại đây đã trở thành một điểm nhấn của y tế quận/huyện. BS Nguyễn Văn Mười, Giám đốc BV quận Bình Tân, cho biết BV đã phát triển nhiều đơn vị trên mô hình BV đa khoa hoàn chỉnh dựa vào khoa vệ tinh. Sau một năm được BV Chấn thương Chỉnh hình TP đào tạo dẫn dắt, hiện BV đã làm chủ các kỹ thuật mổ kết hợp xương, mổ dây chằng, khớp bằng nội soi… nên 70 giường bệnh của khoa lúc nào cũng đầy. Khoa Nhi vệ tinh của BV Nhi đồng 1 với 150 giường cũng đạt công suất 100%. Nhờ khoa Sản vệ tinh của BV Từ Dũ mà nay BV quận Tân Bình đã tự mổ u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung, mổ bắt con… Đơn vị Ngoại thần kinh được chuyển giao kỹ thuật từ BV Chợ Rẫy hiện cũng đã điều trị được chấn động não, tụ máu ngoài màng cứng…

“3-5 năm trước, bệnh nhân đến cấp cứu thì chuyển viện đến 30%-40%, nay mỗi ngày chỉ chuyển viện một vài ca, mà các ca này rất nặng. Giờ chúng tôi toàn bộ đi trên đôi chân của mình vì BV tuyến trên không thể giúp hoài được. Bệnh nhân cũng đã tin tưởng tìm đến mà không còn yêu cầu chuyển viện” - BS Mười nói.

Nằm ở cửa ngõ phía đông TP, BV quận 2 ngoài phát triển các kỹ thuật nội soi còn là BV vệ tinh cho BV Nhi đồng 2, BV Ung bướu. Mới đây nhất BV này đã ký kết với BV Chợ Rẫy về chuyển giao kỹ thuật ngoại thần kinh. Theo đó, BV Chợ Rẫy cử cán bộ chuyên môn chuyển giao kỹ thuật, tổ chức đào tạo và huấn luyện cho đội ngũ y, bác sĩ của BV quận 2 với 20 loại kỹ thuật phẫu thuật liên quan đến chấn thương sọ não.

“Em đã trải thảm đỏ mời BS ung bướu về”

Năm 2010, tôi đi khám và được bác sĩ BV Ung bướu TP.HCM phát hiện bị ung thư vú giai đoạn sớm. Tôi về BV quận Thủ Đức, nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu xin chuyển BHYT. Tôi gặp BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức, BS Quân nói: “Chị ơi, em đã trải thảm đỏ mời bác sĩ ung bướu về, chị yên tâm điều trị ở đây nghe”.

Tôi nghĩ nếu đưa bác sĩ ung bướu về thì điều trị ở đâu cũng được nên quyết định chọn BV quận Thủ Đức cho gần nhà. Tôi gặp BS Nguyễn Triệu Vũ, khoa Ung bướu - Ngoại Tổng quát, làm sinh thiết và được BS Vũ cho biết là tôi bị u ác tính. Lúc này tôi rất sợ nhưng BS Vũ động viên. Khi tiểu phẫu lấy khối u, BS Vũ luôn hỏi: “Cô ơi, cô ơi, cô có đau không để con cho thêm thuốc tê”.

Mổ xong, tôi thấy cô điều dưỡng tên Phương nhiệt tình nên cho 100.000 đồng nhưng cô ấy nhất quyết không lấy. Qua gần năm năm, tôi uống thuốc và thấy khỏe. Cũng từ đó đến nay, gia đình tôi đều đi khám, điều trị bệnh tại BV quận.

Bệnh nhân LTTT (Phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức)

“Họ rất niềm nở”

Tôi gần 70 tuổi, hai lần chảy máu dạ dày, đau nhức tùm lum khắp người. Nói thật, ban đầu khi vào BV quận Bình Tân điều trị tôi xin chuyển qua BV Chợ Rẫy hay BV 115. Nhưng nay sau vài lần điều trị, tôi tin tưởng vào BV quận Bình Tân và đăng ký BHYT luôn ở đây, vừa gần nhà vừa không phải chờ đợi lâu. Con gái tôi là công nhân cũng đăng ký khám, chữa bệnh ở đây luôn. Từ giám đốc đến nhân viên ở đây họ rất niềm nở và cho biết tình hình bệnh cho bệnh nhân yên tâm.

Ông NVL (Phường Tân Tạo A, quận Bình Tân)

Sở dĩ BV giảm tải được cho tuyến trên là nhờ BV đã tạo được niềm tin của người dân khi đến khám và điều trị. Số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị gia tăng hằng năm, đặc biệt ở tỉnh lân cận.

BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV quận Thủ Đức

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm