Nâng hạng thị trường chứng khoán: Việt Nam cải thiện được 1 tiêu chí

(PLO)- Tổ chức xếp hạng thị trường MSCI Global có đánh giá tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng cũng cho thấy Chính phủ cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng hạng thị trường.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong báo cáo khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu do MSCI Global vừa công bố, Việt Nam được đánh giá có cải thiện trong tiêu chí về khả năng chuyển nhượng tài sản, nhờ việc giao dịch tăng trưởng ngoài sàn tốt hơn và chuyển nhượng tài sản có thể được thực hiện mà không cần có sự phê duyệt trước của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, tổ chức xếp hạng thị trường này cho rằng Việt Nam cần tiếp tục giải quyết một số vấn đề về khả năng tiếp cận. Chẳng hạn, họ đánh giá các chính sách về giới hạn sở hữu nước ngoài, ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và việc công bố thông tin thị trường bằng tiếng Anh còn chưa hoàn chỉnh.

MSCI Global cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tiến độ của những cải cách này.

MSCI thay đổi một tiêu chí trong xếp loại nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam
Theo ước tính của WB, trong trường hợp nếu được MSCI và FTSE Russell nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế

Cải thiện 1 và vẫn còn 8 tiêu chí cần tiếp tục cải thiện

MSCI đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam qua 18 tiêu chí. Sau khi một tiêu chí được cải thiện thì đến nay, MSCI cho rằng để được nâng hạng thị trường, Việt Nam còn 8 tiêu chí sau cần tiếp tục cải thiện:

Giới hạn sở hữu nước ngoài: Các công ty ở một số ngành và lĩnh vực nhạy cảm vẫn bị giới hạn về sở hữu nước ngoài từ 0%-51%. Quy định giới hạn này ảnh hưởng hơn 10% cổ phiếu trên thị trường.

Room ngoại còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài: MSCI thiết lập bộ chỉ số Vietnam IMI, đo lường diễn biến khoảng 180 cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn nhất thị trường chứng khoán. Tỷ trọng vốn hóa của nhóm này chiếm 99% tổng giá trị vốn hóa thị trường. Trong số này, nhiều cổ phiếu bị chi phối bởi yếu tố room nước ngoài thấp.

Quyền bình đẳng của nhà đầu tư nước ngoài: Nhiều thông tin doanh nghiệp hiện vẫn chưa được cung cấp bằng tiếng Anh. Quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài bị hạn chế do quy định giới hạn sở hữu nước ngoài nghiêm ngặt áp dụng đối với tổng tỷ trọng sở hữu nước ngoài nói chung và mức độ sở hữu của từng nhà đầu tư nói riêng.

Mức độ tự do trên thị trường ngoại hối: Việt Nam chưa có thị trường giao dịch tiền tệ ở nước ngoài, trong khi thị trường giao dịch tiền tệ trong nước còn bị kiểm soát chặt chẽ. Thủ tục giao dịch ngoại tệ trên thị trường chứng khoán bị bắt buộc phải gắn với giao dịch cụ thể.

Đăng ký đầu tư và mở tài khoản: Đăng ký giao dịch là bắt buộc và việc mở tài khoản cần được Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) thông qua.

Các quy định về thị trường: Các quy định về thị trường chưa có đầy đủ bằng tiếng Anh.

Luồng thông tin: Các thông tin về thị trường chứng khoán thường không có bản tiếng Anh hoặc không đủ chi tiết.

Thanh toán và bù trừ: Không có công cụ vay thấu chi và giao dịch cần ứng tiền trước.

Nâng hạng thị trường

Ngoài MSCI Global, thị trường chứng khoán Việt Nam còn được xếp hạng bởi FTSE Russell - một tổ chức xếp hạng thị trường có uy tín của thế giới.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được phân loại thuộc nhóm các thị trường cận biên. MSCI đánh giá nhóm thị trường này qua chỉ số thị trường cận biên, và hiện các mã chứng khoán Việt Nam đang chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ các cổ phiếu tạo nên chỉ số này, với hơn 30% tổng giá trị tài sản.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu MSCI Global và FTSE Russell nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có khả năng thu hút khoảng 25 tỷ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế.

Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2023 đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng của các tổ chức quốc tế.

TS Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, thuộc Bộ Tài chính đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng sẽ là bước ngoặt quan trọng, mở ra giai đoạn phát triển mới của thị trường, góp phần tăng quy mô, nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm