Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 29-6 lần đầu tiên xác định Trung Quốc là một "thách thức mang tính hệ thống” đối với liên minh trong hướng dẫn cập nhật mới nhất, đồng thời chỉ ra mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga khi nền hòa bình sau Chiến tranh Lạnh ở châu Âu bị phá vỡ bởi cuộc xung đột tại Ukraine, hãng thông tấn Kyodo News đưa tin.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO |
NATO công bố Khái niệm chiến lược mới trong Hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Madrid, đánh dấu lần cập nhật đầu tiên kể từ năm 2010 nhằm định hướng chính sách cho NATO trong thập niên tiếp theo. Trong đó, tài liệu đề cập các mối đe dọa hiện nay là "toàn cầu và liên kết với nhau”, trong khi những chuyển động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng, có những tác động tới an ninh của NATO.
Phát biểu sau khi tài liệu được thông qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi “nhận thức sâu sắc về các thách thức nghiêm trọng” mà Trung Quốc đang đặt ra thông qua sự quyết đoán, các chính sách cưỡng ép và mối quan hệ sâu sắc với Nga.
"Trung Quốc không chia sẻ các giá trị với chúng ta, mà ngược lại, giống như Nga, đang làm suy thoái các giá trị của chúng ta. Trung Quốc không được đề cập trong khái niệm chiến lược trước đây của chúng ta. Trong khái niệm chiến lược năm nay, các đồng minh đã tuyên bố rằng tham vọng và các chính sách cưỡng ép của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh và các giá trị của chúng ta” - ông Stoltenberg phát biểu.
Khái niệm chiến lược trước đó được NATO đưa ra trong giai đoạn liên minh này đang tập trung vào Afghanistan sau cuộc tấn công khủng bố trên nước Mỹ vào năm 2001. Vào thời điểm này, tài liệu mô tả khu vực châu Âu - Đại Tây Dương là "hòa bình", thậm chí tìm kiếm một mối "quan hệ đối tác chiến lược" giữa NATO và Nga, trong khi Trung Quốc không được đề cập.
Trong khi đó, Khái niệm chiến lược mới nhất này mô tả Nga là "mối đe dọa trực tiếp và đáng kể” tới an ninh của liên minh. Đối với Trung Quốc, tài liệu này liệt kê hàng loạt các hành vi của nước này được cho là đáng quan ngại, bao gồm việc sử dụng "các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng cường ảnh hưởng và quyền lực toàn cầu trong khi vẫn không rõ ràng về chiến lược, ý định và việc xây dựng quân đội".
Tài liệu cũng cáo buộc Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng quan trọng, đồng thời nỗ lực phá vỡ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm trong lĩnh vực không gian, không gian mạng và hàng hải.
"Với tư cách là đồng minh, chúng tôi sẽ làm việc với nhau một cách có trách nhiệm để giải quyết những thách thức mang tính hệ thống do Trung Quốc đặt ra đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương”- tài liệu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Khái niệm chiến lược của NATO cũng đề cập ngắn gọn về hợp tác với Trung Quốc, trong đó khẳng định liên minh “vẫn cởi mở trong việc can dự mang tính xây dựng với Trung Quốc, bao gồm việc xây dựng sự minh bạch có qua có lại nhằm bảo vệ lợi ích an ninh của liên minh”.
Cũng trong tài liệu trên, NATO nhận định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vai trò quan trọng đối với liên minh, đồng thời cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác với các đối tác mới và hiện tại để đối phó "các thách thức xuyên khu vực và các lợi ích an ninh chung”.
Bình luận về Khái niệm chiến lược mới của NATO, ông Vương Lỗ Đồng, Vụ trưởng phụ trách các vấn đề Châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, viết trên Twitter rằng: “Làm thế nào một Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương có thể gây ra bất kỳ thách thức nào đối với an ninh của liên minh NATO?”
Ông Vương nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không bao giờ tham gia việc xuất khẩu các giá trị, đồng thời nói rằng NATO “không nên để một số siêu cường sử dụng nhằm duy trì quyền bá chủ và gây sức ép lên các quốc gia khác”.
Trong khi đó, ông Jim Townsend, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về châu Á, cho biết việc đề cập Trung Quốc vào tài liệu chiến lược cho thấy khoảng cách xuyên Đại Tây Dương đối với mối đe dọa từ Trung Quốc và ý định của Bắc Kinh đang được thu hẹp, tờ South China Morning Post đưa tin.
“Tất cả các đồng minh đều đồng ý về việc này. Các đồng minh châu Âu đang trở nên lo ngại như chúng tôi về các hành động quốc tế của Trung Quốc” - ông cho hay.