Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ diễn ra từ ngày 28 đến 30-6, tại Madrid (Tây Ban Nha). Theo tờ The Hill, hội nghị dự kiến sẽ tập trung vào sự thống nhất và phối hợp của các nước thành viên xung quanh chiến sự Ukraine.
Ngoài ra, thượng đỉnh NATO cũng dự kiến sẽ đề cập một loạt vấn đề khác, như việc Phần Lan và Thụy Điển đề nghị tham gia tổ chức, mối đe dọa từ Trung Quốc (TQ)...
Dưới đây là 5 điểm đáng chú ý tại cuộc họp NATO lần này:
Vấn đề Ukraine
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã bước sang tháng thứ tư và các nhà lãnh đạo NATO dự kiến ưu tiên hàng đầu của khối là thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền Kiev. Theo The Hill, đây cũng là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong chuyến thăm Ba Lan vào tháng 3, ông Biden đã tuyên bố rằng ông Putin không thể chia rẽ NATO và luôn nhấn mạnh điều quan trọng nhất là Mỹ và các đồng minh phải duy trì sự phối hợp. Ông cũng củng cố cam kết của mình đối với nguyên tắc phòng thủ tập thể trong Điều 5 của NATO, trong đó nêu rõ một cuộc tấn công vào một quốc gia thành viên NATO là cuộc tấn công vào toàn khối quân sự này.
Trụ sở Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussel, Bỉ. Ảnh: NATO |
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky sẽ có bài phát biểu trước cuộc họp của NATO. Bài phát biểu của ông Zelensky sẽ “tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo được nghe trực tiếp từ ông ấy, cũng như sẽ cho phép các đồng minh NATO thể hiện quyết tâm liên tục hỗ trợ Ukraine khi nước này tự vệ”, theo một quan chức cấp cao trong chính quyền ông Biden.
Bất hòa giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển
Phần Lan và Thụy Điển đã nộp đơn xin gia nhập NATO nhưng vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, do Ankara cáo buộc hai nước Bắc Âu “dung túng” cho các nhóm người Kurd mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Về cơ bản, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phủ quyết việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, vì theo nguyên tắc, quốc gia muốn là thành viên khối này phải có sự ủng hộ của tất cả thành viên hiện hữu.
Không rõ liệu ông Biden sẽ gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị để bàn vấn đề này hay không. Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng này, giới chức Nhà Trắng cũng chỉ ra một số cơ hội để 2 nhà lãnh đạo gặp nhau dù lịch trình hiện không có.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ ra rằng họ không coi hội nghị thượng đỉnh là hạn chót để quyết định có chấp nhận các nước Bắc Âu hay không. Do Thổ Nhĩ Kỳ liên tục phản đối tư cách thành viên của Stockholm và Helsinki, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã không thể đưa ra mốc thời gian Phần Lan và Thụy Điển có thể chính thức gia nhập khối quân sự.
Bà Rose Gottemoeller, cựu Phó Tổng thư ký NATO, dự đoán sẽ mất ít nhất một năm để 2 nước Bắc Âu gia nhập liên minh nếu Thổ Nhĩ Kỳ không còn phản đối.
Mối đe dọa từ Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh NATO có thể sẽ nhất trí về một khái niệm chiến lược mới nhằm giải quyết những thách thức do Trung Quốc đặt ra. Ông Kirby nói rằng khái niệm chiến lược này được xây dựng dựa trên nhiều tháng đối thoại về mối đe dọa mà Trung Quốc gây ra đối với an ninh quốc tế.
Ông nói rằng điều này phản ánh mối quan tâm của NATO đối với ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế của Trung Quốc, chẳng hạn như cái mà ông gọi là Bắc Kinh sử dụng lao động cưỡng bức, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Nhà Trắng cũng nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo từ Úc, Nhật, New Zealand và Hàn Quốc sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh lần này.
Theo The Hill, trong khi Nga bị coi là mối đe dọa trực tiếp đối với liên minh, Trung Quốc lại được xác định là mối đe dọa nhiều mặt và lâu dài hơn. Liên minh dự kiến sẽ thảo luận về các mối đe dọa kinh tế và mạng xuất phát từ Trung Quốc, cũng như an ninh ở Ấn Độ Dương.
Các quan chức chính quyền Biden khẳng định rằng họ tiếp tục tập trung vào Trung Quốc ngay cả khi đang giải quyết cuộc xung đột Ukraine.
Tăng cường năng lực quân sự
Các thành viên NATO có thể sẽ đẩy mạnh các cam kết về tăng cường năng lực quân sự nhằm củng cố khả năng phòng thủ của họ trong bối cảnh Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các quan chức chính quyền ông Biden cho biết các kế hoạch mới của Nhà Trắng sẽ giúp củng cố NATO và ngăn chặn các động thái quân sự từ Nga.
Ngoài ra, ông Daniel Fried - cựu Đại sứ Mỹ tại Ba Lan và là chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương - nói rằng sẽ có các cuộc thảo luận cụ thể về việc tăng cường sự hiện diện của NATO ở các nước Baltic và Ba Lan, những nước láng giềng của Ukraine.
Chi tiêu quốc phòng
Thảo luận về việc tăng chi tiêu quốc phòng đã là một chủ đề gây tranh cãi đối với liên minh, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump khi ông gây áp lực buộc các nước NATO phải chi nhiều hơn cho quốc phòng của nước mình để đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP (tổng sản phẩm quốc nội) cho phòng vệ của khối này.
Chiến sự Ukraine đã khiến các quốc gia tăng cường chi tiêu cho quốc phòng, đặc biệt là Đức - quốc gia cam kết sẽ chi hơn 2% GDP cho lĩnh vực quốc phòng hồi đầu năm nay. Nhiều năm trước đây, Berlin luôn duy trì mức chi tiêu quốc phòng dưới 2% GDP.
Bà Gottemoeller nói rằng cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ khiến các nước NATO xem xét lại ngân sách quốc phòng của họ.